Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ năm, 09/03/2023 09:03
TMO - Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định, các địa phương phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân chậm nhất là ngày 31/12/2024 theo mục 1 Điều 75 nhưng các địa phương vẫn còn đang loay hoay đi tìm phương án thích hợp.
Theo quy định hiện hành, tức Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Có lẽ vì thế mà thói quen xả rác vừa bãi, bỏ rác lẫn lộn chưa qua phân loại đang trở thành mối nguy cho công tác bảo vệ môi trường cũng như lãng phí tài nguyên.
Bởi lẽ, nếu rác thải sinh hoạt được phân loại tại nguồn sẽ không chỉ góp phần tiết kiệm được tài nguyên, tạo thuận lợi trong việc tận dụng phế liệu để tái chế mà còn giảm thiểu được ô nhiễm, giảm tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
Vì thế, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP) có hiệu lực vào ngày 25/8 tới đây, với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định được đánh giá là chế tài mạnh, đủ để ngăn chặn hành vi vi phạm, hạn chế tối đa những hệ lụy nói trên.
Tuy nhiên, theo khoản 7 của Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ ngày 25/8 (ngày Nghị định 45/2022 có hiệu lực) cho đến hết ngày 31/12/2024, tuỳ thuộc vào tình hình, đặc điểm của từng tỉnh, thành phố sẽ có lộ trình triển khai phù hợp trong thực hiện và áp dụng chế tài liên quan đến vấn đề phân loại rác tại nguồn.
Một trong những nguyên nhân thất bại cơ bản của các dự án thí điểm phân loại chất thải tại nguồn là người dân chưa ý thức được sự đóng góp quan trọng của mình vào công cuộc bảo vệ môi trường.
Việc phân loại rác thải sinh hoạt đã được thực hiện thí điểm từ năm 2006. Khi đó, Hà Nội đã thực hiện thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn (gọi tắt là Dự án 3R) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Với mục tiêu nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sau thời gian thí điểm, lượng rác đưa đi chôn lấp giảm 30%, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp…
Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm, dự án đã phải dừng lại do JICA dừng tài trợ chương trình. Nguyên nhân không chỉ do thiếu đầu ra cho các sản phẩm làm từ rác hữu cơ, mà còn rất nhiều lý do khác.
Dự án chưa xác định được kế hoạch, chương trình hành động cụ thể cho từng khâu một như người dân phân loại rác, việc thu gom rác của công ty môi trường đô thị rồi các cơ sở xử lý rác sau phân loại.
Xu hướng phát triển các cơ sở tái chế cũng quyết định đến việc phân loại để phù hợp với yêu cầu của những nhà tái chế. Có cơ chế tài chính khuyến khích hoạt động tái chế như giảm thuế, ưu tiên đất đai xây dựng nhà máy.
Cần có sự đầu tư kinh phí kết hợp xã hội hóa trang thiết bị phục vụ phân loại tại nguồn. Các thùng thu gom phân loại đủ kích cỡ để thu được hết chất thải của khu vực.
Nên đưa tiền mua túi rác và thùng rác vào tiền phí vệ sinh rồi cấp túi rác theo các màu sắc quy định với từng loại rác cho các hộ gia đình. Nếu bố trí đặt các thùng gom rác cố định thì vị trí phải được tính toán thiết kế phù hợp với quy mô dân cư và tính chất của các loại chất thải được phân loại.
Quan trọng nhất đối với việc phân loại chất thải rắn tại nguồn là nâng cao nhận thức của người dân. Một trong những nguyên nhân thất bại cơ bản của các dự án thí điểm phân loại chất thải tại nguồn là người dân chưa ý thức được sự đóng góp quan trọng của mình vào công cuộc bảo vệ môi trường, chưa hình thành được thói quen phân loại rác.
Vì vậy, khi dự án dừng và không có thêm tiền hỗ trợ hoạt động thì công việc phân loại chất thải tại nguồn cũng bị dừng lại. Công tác giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức của người dân phải được tiến hành thường xuyên với sự tham gia của chi bộ Đảng, tổ dân phố và các tổ chức chính trị - xã hội khác. Các nhà trường cần tổ chức dạy cho học sinh biết cách phân loại rác tại nguồn để các em áp dụng ở nhà mình.
Để đạt được sự đồng thuận, chung tay trong việc thực hiện quy định mới này, Hà Nội nên chăng cần áp dụng các biện pháp khuyến khích về kinh tế đối với người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng như với các cơ sở chế biến phân compost (được chi trả cho công tác xử lý).
Bên cạnh đó, cần cải thiện công tác thu gom thông qua ứng dụng trạm trung chuyển hoặc các cơ sở xử lý trung gian. Đồng thời, thay đổi quy trình tác nghiệp của người công nhân để tập trung hơn vào công tác hướng dẫn thay vì quét đường; tuyển dụng và tập huấn công nhân thu gom đảm bảo chất lượng tham gia hướng dẫn người dân.
M. Linh
Bình luận