Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 03:11
Thứ tư, 29/05/2024 07:05
TMO - Tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, rau quả của Việt Nam cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 diễn ra khá thuận lợi, đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng cả về lượng và giá trị. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản vẫn còn những hạn chế.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: 4 tháng đầu năm 2024, kết quả xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam tăng cao cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu gạo tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá. Kết quả xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ.
Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia chiếm 70,69% tổng kim ngạch, còn với ngành hàng rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 61,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiệp hội lương thực Việt Nam thông tin: Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam trong những tháng đầu năm đều tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, giá gạo trong nước tăng so với cùng kỳ, đảm bảo được hiệu quả cho người trồng lúa.
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin: Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi từ nay đến cuối năm sản lượng lúa gạo các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long dự kiến đạt 24,20 triệu tấn; trong đó tiêu thụ nội địa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi... khoảng 9 triệu tấn. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu ước khoảng 15,20 triệu tấn, tương đương 7,60 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo, rau quả của Việt Nam trong những tháng đầu năm tăng cao cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu.
Trong khi đó, với mặt hàng rau quả, dự kiến hết năm 2024 tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu hécta (tăng khoảng 20.000 hécta). Tổng sản lượng quả thu hoạch 5 tháng đầu năm khoảng 4,429 triệu tấn; tổng sản lượng cả năm đạt 13,506 triệu tấn, tăng khoảng 3,4% so năm 2023. Đến ngày 20/5, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 2,490 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường chủ lực tiếp tục tăng tốc, Trung Quốc đứng đầu 1,156 triệu USD, Hàn Quốc 107 triệu USD.
Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: Từ số liệu xuất khẩu rau quả 4 tháng, thông qua xúc tiến thương mại tại châu Âu, Mỹ, tình hình các doanh nghiệp thì hoạt động xuất khẩu mặt hàng rau quả chủ lực của Việt Nam tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là sầu riêng, dưa hấu, xoài...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục.Cụ thể, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu; một số doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay các yêu cầu kèm theo ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA); một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…
Hoạt động thương mại mặt hàng gạo và rau quả trong thời gian tới sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng bất ổn an ninh chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực; tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ… tạo áp lực lớn lên thị trường thương mại hàng hóa; yêu cầu về quy chuẩn, chất lượng sản phẩm ngày càng gia tăng…
Theo dự báo của Bộ Công Thương, xuất khẩu nông sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia (bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang; cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn).
Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng cao; nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước; Sản phẩm xuất khẩu, nhất là ở các khu vực/phân khúc thị trường mới, tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả, như: Sản phẩm thực phẩm Halal, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh,...
Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT tăng cường phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại (Ảnh minh họa).
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, các Hiệp hội ngành hàng chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này để các doanh nghiệp hiểu và tận dụng được. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các FTA và những yêu cầu của từng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại (nếu phát sinh).
Đối với Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…. Đồng thời, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam nhằm khẳng định thương hiệu ở các thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng.
Bộ NN&PTNT tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các đối tác áp dụng với hàng gạo, rau quả xuất khẩu của Việt Nam; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong quy trình sản xuất, nhất là sử dụng các vật tư, nguyên liệu bảo đảm an toàn, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói….
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản một cách trọng tâm, trọng điểm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia... nhằm gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, khai mở và sử dụng hiệu quả những hiệp định tại các thị trường mới còn nhiều tiềm năng.
Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA đã ký kết, tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam; đồng thời, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế (nếu phát sinh).
Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm gạo, rau quả nói riêng một cách trọng tâm, trọng điểm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia... nhằm gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, khai mở và sử dụng hiệu quả những hiệp định tại các thị trường mới còn nhiều tiềm năng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta đã ký kết, nhất là tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế (nếu phát sinh).
Ngọc Mai
Bình luận