Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 07:11
Chủ nhật, 01/09/2024 06:09
TMO - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết, quá trình quan trắc, kiểm tra và theo dõi trong tháng 8/2024 tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Nhuệ - Đáy đang tiếp tục gia tăng và đang ở mức báo động cấp 2.
Qua quá trình theo dõi nước sông Nhuệ tại cống Nhật Tựu, Ba Đa và sông Đáy tại cầu Hồng Phú ngày càng ô nhiễm nặng, nước sông có màu đen, mùi hôi. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng ô nhiễm vẫn đang có chiều hướng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nước sông bị ô nhiễm nặng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
Theo số liệu quan trắc, trong tháng 8/2024 nước tại cống Nhật Tựu, cống Ba Đa - sông Nhuệ vẫn có màu đen, mùi thối. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Hà Nam đã lấy và phân tích mẫu nước tại vị trí trên, nồng độ các chất ô nhiễm như sau: Tại cống Nhật Tựu: Nồng độ Amoni là 3,01 mg/L-N, vượt 10,03 lần; ôxy hoà tan là 2,31 mg/L, nhỏ hơn 2,59 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08:2023/BTNMT: Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt – Mức phân loại chất lượng nước: Mức A.
Tại cống Ba Đa: Nồng độ Amoni là 2,81 mg/L-N, vượt 9,37 lần; ôxy hoà tan là 3,12 mg/L, nhỏ hơn 1,92 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08:2023/BTNMT -mức A. Tại cầu Phủ Lý: Nồng độ Amoni là 1,67 mg/L-N, vượt 5,57 lần; ôxy hoà tan là 4,36 mg/L, nhỏ hơn 1,38 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08:2023/BTNMT - mức A.
Để hạn chế ảnh hưởng từ nguồn nước sông đến hoạt động sản xuất của người dân trên địa bàn, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo cho các xã, phường, thị trấn ven sông Nhuệ, sông Đáy có biện pháp phòng ngừa để hạn chế thiệt hại về nguồn lợi thuỷ sản; Chi cục Thủy lợi Hà Nam xem xét để bố trí lịch cấp nước cho sản xuất nông nghiệp; Công ty CP Nước sạch Hà Nam bố trí trực theo dõi bơm nước, đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân...
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Nhuệ - Đáy qua địa phận tỉnh Hà Nam đang tiếp tục gia tăng và đang ở mức báo động cấp 2. Ảnh: BHN.
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nằm ở hữu ngạn sông Hồng, diện tích 7.665 km2, thuộc địa phận của 5 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Hồng. Với chiều dài khoảng 76 km, sông Nhuệ chảy qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, điểm bắt đầu là cống Liên Mạc, lấy nước từ sông Hồng trong địa phận Từ Liêm (thành phố Hà Nội) và điểm kết thúc là cống Phủ Lý khi hợp lưu với sông Đáy (tỉnh Hà Nam).
Đối với Hà Nam, hệ thống thủy lợi sông Nhuệ- Đáy từ lâu đóng vai trò quan trọng, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng hạ du; được phân theo 2 hướng: hướng chảy về sông Đáy tại ngã ba cầu Hồng Phú và hướng chảy vào sông Duy Tiên nhánh đoạn cầu Giẽ (Phú Xuyên – Hà Nội). Nguồn nước này, phục vụ cho phần lớn diện tích sản xuất của huyện Kim Bảng, thị xã Duy Tiên, một phần thành phố Phủ Lý, huyện Bình Lục, Lý Nhân với hơn 10 nghìn ha đất canh tác.
Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), những năm gần đây, do sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh của các tỉnh, thành phố nơi dòng sông đi qua, đã dẫn đến lượng chất thải, nước thải đổ ra sông tăng đột biến, thiếu kiểm soát. Bình quân mỗi năm sông Nhuệ- Đáy có từ 8 – 15 đợt ô nhiễm nặng, có đợt kéo dài đến 2 tháng. Đặc biệt, từ tháng 7/2023 đến nay, ô nhiễm xảy ra gần như liên tục, nước trên sông Nhuệ chuyển sang màu đen.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của sông Nhuệ - sông Đáy, việc bảo vệ môi trường lưu vực 2 con sông trên đã được các bộ, ngành chức năng và các địa phương nơi dòng sông đi qua quan tâm, nhiều giải pháp đã được triển khai. Tuy nhiên, chất lượng môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy hiện nay chưa được cải thiện nhiều, tình trạng ô nhiễm vẫn đang ở mức báo động.
Trong những qua, Hà Nam cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ - Đáy. Theo đó, 8/8 khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung, công trình ứng phó với sự cố môi trường.
Tại các trạm bơm dọc sông Nhuệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các đơn vị thủy nông, địa phương cố gắng tranh thủ nguồn nước triều sông Đáy hòa loãng nước ô nhiễm để bơm tưới. Nước sinh hoạt của người dân hiện nay đều được sử dụng nguồn cung cấp của các Nhà máy cấp nước sạch tập trung đặt tại sông Hồng và sông Đáy.../.
Lê Tú
Bình luận