Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/07/2025 18:07
Thứ tư, 09/07/2025 11:07
TMO - Giải quyết vấn đề ô nhiễm, bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ là vấn đề được TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm trong thời gian tới.
Sông Nhuệ là một con sông nhỏ, lấy nước từ sông Hồng qua cống Liên Mạc (phường Thượng Cát, TP. Hà Nội) và kết thúc tại cống Phủ Lý khi hợp lưu vào sông Đáy gần Phủ Lý (tỉnh Ninh Bình). Những năm gần đây, sông Nhuệ đang bị bồi lắng và ô nhiễm rất nặng do nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý được xả thải trực tiếp vào các lưu vực của con sông này.
Trước vấn đề ô nhiễm sông Nhuệ, cử tri TP. Hà Nội đã liên tục có ý kiến đề nghị thành phố quan tâm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, đầu tư hạ tầng hai bên bờ sông và có biện pháp thu gom nước thải sinh hoạt, không để xả thải trực tiếp ra sông Nhuệ như hiện nay.
Theo UBND TP. Hà Nội, để giải quyết vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, thời gian qua, các bộ, ngành và thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án, đề án. Cụ thể, thành phố triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với mục tiêu lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ với lưu lượng Q=70 m3/s để cung cấp nước tưới cho các địa phương thuộc lưu vực hệ thống sông Nhuệ; đồng thời góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước, môi trường sinh thái.
Dự án Nâng cấp trục chính sông Nhuệ từ Liên Mạc đến đường vành đai IV (giai đoạn 1). Trong đó, thành phố đã phê duyệt “Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 04 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” làm cơ sở tổ chức triển khai các giải pháp phục hồi chất lượng nước, phát triển hạ tầng, cảnh quan hai bên sông, góp phần cải thiện chất lượng nước cho hệ thống sông Nhuệ - Đáy. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục xây dựng phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ vận hành các Nhà máy xử lý nước thải hiện có, duy trì hệ thống thoát nước, hệ thống thủy lợi như Nhà máy xử lý nước thải: Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Hồ Tây, Yên Sở, đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng... Vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung Yên Xá công suất 100.000 m3/ngày đêm đưa vào vận hành chính thức với công suất thiết kế đảm bảo tiến độ.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội kiểm tra công tác vận hành đối với các Trạm xử lý nước thải tập trung của các Khu công nghiệp đảm bảo hiệu quả, nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Thành phố đang triển khai các dự án để kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trên sông Nhuệ.
Định kỳ hằng năm, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường để thực hiện giám sát trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, y tế, dự án trên địa bàn thành phố; trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường 2020; điểm b, khoản 2, Điều 162 và điểm d, khoản 3 Điều 163 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tập trung chủ yếu vào các khu vực gây ô nhiễm môi trường, qua đó phát hiện các vi phạm, kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu các cơ sở nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với lưu vực sông Nhuệ, thời gian tới TP.Hà Nội triển khai các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu Bây và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn thành phố.
Về đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thành phố đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề, cụm công nghiệp; bố trí quỹ đất và triển khai các thủ tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt; ban hành đơn giá dịch vụ xử lý nước thải; đầu tư kinh phí, hoàn thành đúng tiến độ các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông đã được phê duyệt.
Huy động mọi nguồn lực để thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải tập trung đối với nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, làng nghề, khu, cụm công nghiệp; xác định các dự án xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung ưu tiên để kêu gọi, thu hút đầu tư; chủ động đề xuất các giải pháp, phương án, cơ chế chính sách hỗ trợ để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đối với khu vực dân cư phân tán.
Đầu tư các hệ thống quan trắc nước thải tự động đối với các nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Dữ liệu quan trắc môi trường được truyền, cập nhật, lưu trữ về các cơ quan có thẩm quyền liên quan để giám sát theo quy định.
Thành phố cũng duy trì, vận hành hiệu quả trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động liên tục trên sông Cầu Bây tại Trạm bơm Am... đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, như: Công trình thu gom, xử lý nước thải; trạm quan trắc nước thải liên tục tự động, nạo vét, khơi thông dòng chảy; xem xét tạm thời không cấp phép đầu tư mới hoặc cho phép mở rộng quy mô sản xuất đối với các cơ sở có nguồn thải vào sông Ngũ Huyện Khê.../.
Lê Ánh
Bình luận