Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Chủ nhật, 19/11/2023 12:11
TMO – Theo quy định mới này, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường EU.
Theo số liệu thống kê tính từ năm 1990 cho đến năm 2020, tổng diện tích rừng đã mất là khoảng 420 triệu ha rừng (10 triệu ha/năm); diện tích đất nông nghiệp mở rộng cũng là nguyên nhân gây ra 90% tổng diện tích rừng bị mất (hơn một nửa là trồng trọt; 40% chăn nuôi). Điều này khiến tổng lượng phát thải gia tăng thêm 11% và do Châu Âu nhập khẩu, tiêu thụ 1/3 các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi có liên quan tới nạn phá rừng năm 1990 – 2008 nên cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lượng rừng bị mất trên toàn cầu trong giai đoạn cùng kỳ.
Do đó, tại Quy định chống phá rừng (EUDR), việc đảm bảo các sản phẩm nằm trong danh sách điều chỉnh do công dân Châu Âu mua, sử dụng hoặc tiêu thụ là rất cần thiết, góp phần không làm mất và suy thoái rừng toàn cầu; đồng thời, có thể cắt giảm được lượng khí các – bon phát thải vào khí quyển do các hoạt động tiêu thụ hoặc sản xuất của các mặt hàng này tại châu Âu ở mức 32 triệu mét khối hằng năm. Hành động này sẽ tiết kiệm tối thiểu 3,2 tỷ EURO mỗi năm và tăng cường khả năng đóng góp của rừng trong việc chống tác động của biến đổi khí hậu.
(Ảnh minh họa)
Qua đó, Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ hạn chế được nạn phá rừng trái phép và suy thoái rừng, cũng như tình trạng mất rừng gây ra do sự mở rộng đất nông nghiệp để sản xuất các mặt hàng về rừng, trong đó có: Gỗ, đậu nành, cao su, cà phê, dầu cọ, cacao hay các sản phẩm phái sinh như da thuộc, sô cô la,….
Từ quy định của trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Khung Kế hoạch thích ứng với EUDR, yêu cầu các địa phương và ngành hàng triển khai hoạt động nhằm thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh và sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản không gây mất rừng trong nước và quốc tế. Theo đó, ghi nhận hiện trạng chuỗi cung ứng 3 ngành hàng gỗ, cao su, cà phê từ Việt Nam sang Châu Âu đạt giá trị xuất khẩu cao với tổng kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu năm 2022, cà phê đạt 4 tỷ USD, gỗ đạt 15,7 tỷ USD và cao su đạt 6,7 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, các lợi thế của Việt Nam trong việc sản xuất ngành hàng cà phê, gỗ, cao su như rủi ro giữa phá rừng và sản xuất gỗ rừng trồng, cà phê, cao su thấp, hầu như không có các diện tích chuyển đổi mới; các diện tích đạt chứng chỉ bền vững đang tăng nhanh, cùng việc Việt Nam đang tích cực tham gia các sáng kiến quốc tế về bảo vệ rừng; các công ty - nông hộ ngày càng phát triển, thúc đẩy chuỗi cung theo hướng truy xuất các ngành hàng, đặc biệt là cà phê, gỗ. Do đó, để xuất khẩu các ngành hàng từ Việt Nam sang châu Âu đạt hiệu quả và kết nối phát triển khối tư nhân, cần đánh giá toàn bộ các luồng cung xuất khẩu sang châu Âu; đánh giá thực trạng chuỗi cung các mặt hàng này, tập trung vào mặt hàng chính, từ đó mở rộng ra các mặt hàng khác và xác định các tồn tại trong các khâu thực hiện, đồng thời đưa ra các biện pháp khắc phục. Các Hiệp hội cũng cần thực hiện phổ cập thông tin tới các doanh nghiệp, thành viên trong việc thúc đẩy mở rộng diện tích có chứng chỉ bền vững; phối hợp chặt chẽ, thành lập nhóm, đầu mối công tác, tiến hành các hoạt động phối hợp cụ thể.
Các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần xây dựng bản đồ hiện trạng rừng; xây dựng các vùng sản xuất rủi ro, vùng an toàn để rà soát hệ thống thông tin, dữ liệu về rừng và đất lâm nghiệp, kết quả giao đất rừng (chủ rừng, sổ đỏ), các diện tích chống lấn,…; phối hợp với các ngành hàng, đánh giá hiện trạng chuỗi cung, bắt đầu từ các nhóm sản phẩm xuất khẩu, xác định các tồn tại trong chuỗi dựa trên các yêu cầu của EUDR và thực hiện các hoạt động khắc phục. Bên cạnh đó, cần cập nhật các sáng kiến bảo vệ rừng, chủ động chia sẻ với Châu Âu, cũng như đầu tư nguồn lực cần thiết để thực hiện Khung Kế hoạch thích ứng phù hợp.
Trước đó, vào tháng 5/2023, Liên minh châu Âu (EU) thông qua Quy định chống phá rừng, quy định này có hiệu lực từ ngày 30/12/2024. Theo quy định mới của EU, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Đạo luật mới này nhằm hạn chế các sản phẩm liên quan đến phá/suy thoái rừng được nhập khẩu vào EU, đồng thời khuyến khích mua bán các mặt hàng hợp pháp và không gây phá rừng.
QUỐC DŨNG
Bình luận