Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ năm, 18/04/2024 07:04
TMO - Quý I/2024, xuất khẩu rau quả sang các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Trong đó, thị trường Hàn Quốc, Thái Lan ghi nhận mức tăng đột biến.
Thống kê từ sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 3 đạt gần 470 triệu USD, tăng 44,3% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế quý I/2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD ngay trong quý I/2024.
Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 59,1% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả. Tiếp theo, thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59,3%; Mỹ đạt 67,7 triệu USD, tăng 33,9%. Đặc biệt, thị trường Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng đột biến 112%.
Quý I/2024, xuất khẩu rau quả sang các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng trưởng cao.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kết quả trên có được là do sự đóng góp của sầu riêng và thanh long nghịch vụ. Cùng với đó, tại thị trường Hàn Quốc, các cuộc xung đột địa chính trị, ảnh hưởng từ Biển Đỏ khiến nguồn trái cây từ Nam Mỹ, Trung Đông xuất khẩu qua Hàn Quốc bị gián đoạn. Giá cước vận tải tăng cao cùng với thời gian vận chuyển kéo dài khiến nguồn cung rau quả tại Hàn Quốc bị thiếu hụt. Do đó, Hàn Quốc đã tăng nhập khẩu rau quả từ Việt Nam để bù đắp phần thiếu hụt này.
Ngoài ra, giá cước vận tải tăng gấp 2, thời gian vận chuyển tăng lên 40 ngày thay vì 25 ngày như trước khiến việc nhập khẩu rau quả từ Nam Mỹ, Trung Đông gặp khó. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào Hàn Quốc. Dự kiến, thời gian tới, sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này đồng nghĩa với dư địa ngành hàng này còn rất lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quý I/2024, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát đạt yêu cầu 99,6%, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường năm 2024. Với những tín hiệu tích cực của thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2024 ngành hàng rau quả tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6-6,5 tỷ USD; tăng trưởng ở mức 15-20% so với năm 2023. Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho mặt hàng rau quả của Việt Nam, bởi lợi thế về địa lý, nhiều nét tương đồng về văn hóa ẩm thực.
Trong quý I/2024, sản lượng sầu đạt 108.000 tấn.
Theo Cục Trồng trọt, trong quý I/2024, sản lượng của một số cây ăn quả chủ lực tăng khá, như: sầu riêng đạt 108.000 tấn, tăng 27,1%; cam đạt hơn 323.000 tấn, tăng 4,1%; chuối đạt 697.000 tấn, tăng 3,8%; xoài đạt 191.000 tấn, tăng 3,6%; bưởi đạt hơn 167.000 tấn, tăng 3,1%. Bên cạnh những thuận lợi, việc sản xuất, tiêu thụ trái cây vẫn gặp không ít khó khăn do diện tích trồng cây ăn quả ở một số địa phương còn phân tán, không tập trung, dẫn đến hạn chế cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Để tháo gỡ khó khăn, Cục Trồng trọt khuyến nghị, các doanh nghiệp và người dân cần liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhằm kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào, canh tác. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Cơ quan chức năng địa phương phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xác minh nguyên nhân và hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật.
Cùng với đó là tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Phát triển chuỗi giá trị nông sản; liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, các kho lạnh quy mô lớn.
Hải Long
Bình luận