Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ bảy, 09/09/2023 12:09
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân cho dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó có nội dung liên quan đến điều chỉnh quy định về diện tích khu vực thăm dò khoáng sản.
Cụ thể, diện tích khu vực thăm dò của một giấy phép đối với loại hoặc nhóm khoáng sản được quy định không quá 10 km2 đối với khoáng sản không kim loại ở đất liền có hoặc không có mặt nước, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; không quá 2 km2 ở đất liền, không quá 1 km2 ở vùng đất có mặt nước, không quá 30 km2 ở khu vực biển đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trong khi đó, Luật Khoáng sản hiện hành quy định không quá 100 km2 đối với khoáng sản không kim loại ở đất liền có hoặc không có mặt nước, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; đồng thời chỉ quy định không quá 2 km2 ở đất liền, không quá 1 km2 ở vùng có mặt nước đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không quy định diện tích cụ thể ở khu vực biển đối với khoáng sản này.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (sửa đổi): Điều chỉnh quy định về diện tích khu vực thăm dò khoáng sản.
Liên quan đến nội dung về thăm dò khoáng sản, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản bổ sung quy định về đề án thăm dò. Theo đó, Chính phủ quy định hình thức, trình tự, thủ tục thẩm định đề án thăm dò khoáng sản; Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết mẫu, nội dung đề án thăm dò khoáng sản; phương pháp, khối lượng công tác thăm dò khoáng sản đối với từng loại khoáng sản và bộ đơn giá thi công các công trình thăm dò khoáng sản.
Giấy phép thăm dò khoáng sản cũng là nội dung nằm trong Chương về thăm dò khoáng sản được dự thảo sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, giấy phép thăm dò khoáng sản có thời hạn không quá 48 tháng và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 24 tháng. Thời hạn thăm dò khoáng sản bao gồm thời gian thực hiện đề án thăm dò khoáng sản, thời gian trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản.
Theo quy định của Luật Khoáng sản 2010, giấy phép thăm dò khoáng sản có thời hạn không quá 48 tháng và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 48 tháng; mỗi lần gia hạn, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản phải trả lại ít nhất 30% diện tích khu vực thăm dò khoáng sản theo giấy phép đã cấp. Thời hạn thăm dò khoáng sản bao gồm thời gian thực hiện đề án thăm dò khoáng sản, thời gian trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản và thời gian lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Như vậy, so với quy định hiện hành, tổng thời gian gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản đã được điều chỉnh từ “không quá 48 tháng” thành “không quá 24 tháng”; thời hạn thăm dò khoáng sản không bao gồm thời gian lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản; dự thảo không quy định phải loại bỏ 30% diện tích khi gia hạn Giấy phép thăm dò.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản. Dự thảo nêu rõ tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản được bổ sung phương pháp, khối lượng, hạng mục công việc thi công trong phạm vi khu vực thăm dò đã được cấp phép nhằm tăng mức độ tin cậy của kết quả thăm dò; được trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản trong trường hợp không thể triển khai thăm dò vì lý do bất khả kháng không thể tiếp tục thực hiện thăm dò. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm soát hoạt động thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cũng đề xuất bổ sung quy định về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác. Đối với quy định này, dự thảo đã kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành về trách nhiệm chung bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các tổ chức, cá nhân và UBND các cấp và các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm chung về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; trách nhiệm bảo vệ khoáng sản của tổ chức, cá nhân; trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp; trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các bộ, cơ quan ngang bộ; nội dung kinh phí cho công tác bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác.
Những quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập trong Luật Khoáng sản hiện hành như: còn nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã tiến hành khai thác khoáng sản trái phép, không phép làm tổn thất tài nguyên khoáng sản quốc gia; lợi dụng quyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, một số cá nhân, tổ chức đã tiến hành khai thác khoáng sản mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Luật Khoáng sản 2010 chưa quy định rõ trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi khu vực thăm dò/khai thác khoáng sản; bảo vệ khoáng sản đã khai thác chưa sử dụng, khoáng sản đi kèm trong quá trình khai thác; làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan có quyền sử dụng đất (dự án xây dựng công trình, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư tập trung...) trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Bên cạnh đó, quá trình thi hành Luật Khoáng sản là chưa quy định trách nhiệm trong bảo vệ tài nguyên địa chất, đặc biệt là bảo vệ di sản địa chất, công viên địa chất, các cấu trúc địa chất có giá trị. Ngoài ra, Luật này chưa quy định nội dung liên quan đến bảo vệ tài nguyên địa chất, đặc biệt là di sản địa chất, công viên địa chất; chưa quy định rõ nội dung mục chi ngân sách cho công tác này nhằm bảo đảm kinh phí thực hiện, đặc biệt là bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để có tính khả thi.
Thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 09/02/2023 của Chính phủ “Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2023”, theo đó, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để lấy ý kiến nhân dân.
Mục đích của việc xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản; rà soát quy định của các Nghị định hướng dẫn Luật (quản lý cát, sỏi lòng sông; khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...) có tính ổn định để “Luật hoá”. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các Luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; các điều ước và cam kết quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật gồm 132 Điều và được bố cục thành 13 Chương. Dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Minh Anh
Bình luận