Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 15/12/2024 02:12
Thứ hai, 04/11/2024 06:11
TMO - Sếu là một loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ của thế giới. Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có đàn sếu về cư ngụ, trong đó có Đồng Tháp. Để bảo vệ loài sếu quý hiếm, trong 10 năm tới, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032” nhằm phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Sếu đầu đỏ là biểu tượng văn hóa đặc trưng của xứ sở Đồng Tháp, nhưng trên hết bảo tồn loài chim di trú này còn là biểu tượng của vùng sinh thái xanh, hiện nay tỉnh Đồng Tháp đã và đang tận dụng các nguồn lực, sẵn sàng chuẩn bị điều kiện thuận lợi đón đàn sếu trở về tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc tỉnh Đồng Tháp là một khu đất ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tam Nông với tổng diện tích 7.313 ha nằm trong địa giới của 4 xã (Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ) và Thị trấn Tràm Chim, với số dân trong vùng khoảng 30.000 người.
Về sếu đầu đỏ, được biết, đàn sếu phương đông ở Campuchia và Việt Nam là một đàn duy nhất sống chủ yếu trên các vùng đất ngập nước tự nhiên. Từ năm 1988-1999, năm cao nhất đến 1.052 cá thể (năm 1988), thấp nhất 271 cá thể (năm 1994). Từ năm 2000-2012, dao động từ 48 cá thể (năm 2001) đến 167 cá thể (năm 2000), trung bình 103 cá thể/năm. Từ năm 2013-2020, trung bình 33 cá thể/năm. Năm 2021 có 3 cá thể. Năm 2024, 4 cá thể sếu.
Nhằm mục tiêu bảo tồn, bảo vệ đàn sếu đầu đỏ quý hiếm, nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Đồng Tháp và các nhà khoa học đã nghiên cứu tìm giải pháp để đưa sếu về lại Tràm Chim. Đề án “Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032” (Đề án) được triển khai với nhiều giải pháp thiết thực với 3 nội chính là khôi phục môi trường đất ngập nước; nuôi thả sếu đầu đỏ và chia sẻ lợi ích với cả cộng đồng.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu cụ thể của Đề án sẽ nuôi, nhân đàn và thả ra tự nhiên khoảng 100 cá thể sếu, phấn đấu trong số đó có khoảng 50 cá thể sống tốt ngoài môi trường tự nhiên. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 185 tỷ đồng.
Trong đó, 50% từ nguồn kêu gọi xã hội hóa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với khoảng 93 tỷ đồng, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp. Phần kinh phí kêu gọi đóng góp, Đồng Tháp sẽ thực hiện một số nội dung, công việc như: Chi phí tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu cho sinh sản và thả sếu ra môi trường tự nhiên; thực hiện cải tạo, phục hồi hệ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim, tạo sinh cảnh sống cho sếu đầu đỏ.
Bên cạnh đó là xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững, tạo sinh kế cho người dân sinh sống trong vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim; thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng cơ bản, bảo đảm phục vụ nuôi dưỡng sếu.
Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) là nơi bảo tồn nhiều loài chim quý. (Ảnh minh hoạ: Internet).
Đề án không chỉ có ý nghĩa quan trọng về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học mà thông qua đề án sẽ góp phần giúp cho người dân địa phương nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, du lịch.
Lãnh đạo Chương trình Bảo tồn sếu Đông Nam Á, cho biết, Lãnh đạo tỉnh Đồng Thápcó một quyết tâm rất lớn để xây dựng Đề án cũng như quyết tâm thực hiện mục tiêu của đề án. Về mặt kỹ thuật, chuyên môn đây là một đề án rất khả thi. Đặc biệt, Đề án sẽ góp phần rất quan trọng trong việc phục hồi hệ sinh thái vùng đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười. Đây là một đóng góp quan trọng nhất đối với Đề án. Không những thế, đề án cũng đóng góp vào mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái của tỉnh Đồng Tháp.
Khởi động chương trình thực hiện “Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032” không hề đơn giản. Theo đó, yêu cầu đầu tiên là làm sao môi trường sống của sếu phải tốt nhất. Môi trường sống của sếu phải được trả lại để sếu lựa chọn trở về Tràm Chim. Đây là việc đòi hỏi phải tư duy trong quản trị, trong tiếp cận, trong bảo tồn, trong phát triển và đòi hỏi một sự nỗ lực rất bền bỉ của nhiều người, của những con người trực tiếp trong bảo vệ Tràm Chim, làm công tác quản lý tại Tràm Chim, trong trách nhiệm của các sở, ngành của tỉnh để thực hiện đề án.
Và bước đầu thực hiện Đề án cho thấy đã có những tín hiệu tích cực sau khi tỉnh thực hiện nghiêm các khuyến cáo của những nhà khoa học. Đó là năm 2024 đã chứng kiến sự xuất hiện với số lượng rất lớn của các loài chim.
Điều này như bắt đầu cho thấy một sự chuyển mình, một sự thay đổi hợp lý, đúng hướng, phù hợp cho sự phát triển của hệ sinh thái ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Đó là hướng đích đến để trả lại không gian, điều kiện tự nhiên phù hợp cho loài sếu. Và cũng đã có những tín hiệu từ sự lựa chọn, tìm về của sếu khi mà trong năm có 4 cá thể sếu đã bắt đầu tìm hiểu, "thăm dò" khi bay về Tràm Chim.
Sếu đầu đỏ. (Ảnh minh hoạ: TP).
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh kỳ vọng năm 2025 sẽ có tín hiệu tích cực hơn. Và đó sẽ là tiền đề, cơ sở quan trọng để triển khai những bước tiếp theo. Để bảo tồn được sếu, Lãnh đạo tỉnh mong người dân Đồng Tháp phải xem việc bảo tồn sếu là câu chuyện của mỗi người dân, trước mắt là của người dân ở huyện Tam Nông, những con người trực tiếp có trách nhiệm bảo vệ, xem sếu như người bạn, là người thân để sếu có thể cùng sống với mình ở không gian của Tràm Chim, Tam Nông. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng cũng đã vận động nhiều hộ nông dân có diện tích với hơn 100ha ở khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim, thuộc vùng mà tỉnh đã triển khai cải tạo môi trường để trả lại môi trường cho sếu.
Đó là việc chuyển đổi mô hình canh tác lúa sang hữu cơ để có một vùng đệm an toàn và phù hợp cho sếu. Hiện nông dân cũng hưởng ứng tích cực. Và đồng hành với nông dân còn có rất nhiều doanh nghiệp về sản xuất, xuất khẩu lúa gạo cũng đã tham gia, đồng hành cùng đề án. Đó là một sự thay đổi rất lớn về phương thức sản xuất, về quan điểm, tư duy tiếp cận và kể cả tình yêu với sếu, với môi trường.
Thực hiện Đề án, tỉnh Đồng Tháp không chỉ dùng nội lực của mình, mà còn cho thấy tỉnh mong muốn có sự đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước và kể cả các tổ chức quốc tế để tỉnh thực hiện. Bảo tồn sếu ở Đồng Tháp không chỉ là phục vụ cho Đồng Tháp, mà còn sẽ là mô hình bảo tồn một loài đặc hữu. Nếu thành công sẽ có ý nghĩa với công tác bảo tồn của Việt Nam. Và riêng loài sếu thì không chỉ cho Đồng Tháp, Việt Nam, mà còn có ý nghĩa cho cả khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu của Đề án trong giai đoạn 2022 - 2028, Đồng Tháp sẽ tiếp nhận được 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan nuôi chăm sóc và thả về thiên nhiên. Hoàn chỉnh cơ sở vật chất, chuồng trại phục vụ nuôi và thả sếu hướng đến mục tiêu phục hồi hệ sinh thái Tràm Chim.
Đến năm 2028 dự kiến có khoảng 200 ha lúa sản xuất sinh thái tại vùng lân cận Vườn quốc gia Trà Chim, trong 5 năm đầu có thể cho sếu sinh sản và sống tốt. Giai đoạn 2029 - 2032, tiếp tục đàm phán với Thái Lan hỗ trợ tiếp nhận 30 cá thể sếu để gây nuôi, dự kiến sẽ sinh sản thêm khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ, xây dựng biểu đồ sinh sản, kỹ thuật tự chăm sóc sếu, cho sinh sản và thả về thiên nhiên, biên soạn tài liệu, chuyển đổi vùng trồng, phát triển thủy sản tự nhiên bản địa dựa trên nền tảng lúa sinh thái - hữu cơ.
Với sự đồng hành của các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của người dân trong khu vực sẽ là động lực để tỉnh Đồng Tháp quyết tâm thực hiện được Đề án trên. Trong đó gồm cả mục tiêu khôi phục những giá trị đa dạng sinh học của vùng ngập nước, đặc biệt khôi phục loài chim quý hiếm – Sếu đầu đỏ tại địa phương này.
Chí Công
Bình luận