Hotline: 0941068156
Thứ hai, 28/04/2025 18:04
Thứ hai, 28/04/2025 06:04
TMO - Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo tồn sếu đầu đỏ – loài chim quý hiếm gắn liền với hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim. Chính quyền và cộng đồng địa phương đang chung tay tạo lập môi trường sống an toàn, bền vững cho đàn sếu quay trở lại mỗi mùa di cư, góp phần duy trì sự đa dạng sinh học.
Việc đưa sếu đầu đỏ trở về Việt Nam nói chung và về Vườn Quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) nói riêng, không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn loài đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng mà còn tăng cường công tác bảo vệ loài chim quý hiếm này.
Với đà suy giảm đáng kể, quần thể sếu tự nhiên đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần. Theo các chuyên gia, mất sếu đầu đỏ không chỉ mất đi loài chim quý được xếp vào Sách đỏ thế giới của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) mà còn mất đi yếu tố để thu hút khách du lịch, các doanh nhân ưu tiên xét đầu tư… Sau hành trình dài nỗ lực “Đưa đàn Sếu trở về” của cộng đồng nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, đặc biệt là những người bạn đến từ Vương quốc Thái Lan, mới đây, tại Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim, huyện Tam Nông, UBND tỉnh Đồng Tháp đã long trọng tổ chức Chương trình tiếp nhận 6 cá thể Sếu đầu đỏ đầu tiên từ Thái Lan về Việt Nam.
Sự kiện này không chỉ là cột mốc quan trọng trong công tác bảo tồn Sếu, mà còn là biểu tượng sống động của tình hữu nghị quốc tế, tinh thần chung tay bảo vệ thiên nhiên không biên giới, không phân biệt màu da sắc tộc...Sau thời gian bền bỉ trên hành trình phục hồi sinh cảnh, cải tạo môi trường sống và xây dựng một đề án bảo tồn đầy tâm huyết, Đồng Tháp đã đón chào những cá thể Sếu đầu tiên trở về mái nhà xưa - VQG Tràm Chim.
Theo chia sẻ của người dân ngụ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, đồng thời cũng là thành viên của Đội tuyên truyền bảo vệ Sếu đầu đỏ và các loài chim hoang dã tại VQG Tràm Chim tham gia mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở khu vực vùng đệm của VQG, ngay từ những ngày đầu cho biết, họ thấy tự hào nhưng cũng cảm nhận trách nhiệm của mình nhiều hơn.
Sếu đầu đỏ là loài chim quý giá cần được bảo tồn trước nguy cơ tuyệt chủng.
Bởi để có thể giúp mở rộng không gian sống ngoài tự nhiên cho Sếu đầu đỏ thì chỉ một vài nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa vẫn là chưa đủ mà cần có sự tham gia nhiều hơn từ cộng đồng. Vì vậy, sắp tới, người dân quyết tâm sẽ cùng các ngành, các cấp tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con nông dân thay đổi tập quán sản xuất. Đồng thời hy vọng với những thay đổi của nông dân sẽ giúp Sếu đầu đỏ mở rộng hơn không gian sống theo đúng kỳ vọng.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn một loài chim quý hiếm, Đồng Tháp đang từng bước định hình nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Tại vùng đệm VQG Tràm Chim, mô hình “Cánh đồng lúa sếu” ở các xã: Tân Công Sính, Phú Đức đang phát huy hiệu quả rõ nét.
Người dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, mở rộng diện tích sản xuất thân thiện với môi trường. Nhờ vậy, hệ thủy sinh và các loài chim hoang dã bắt đầu trở lại, từng bước tạo lập hệ sinh thái bền vững - nền móng quan trọng cho sự hồi sinh của đàn Sếu đầu đỏ. Song song với việc khuyến khích mở rộng vùng canh tác lúa sinh thái phục vụ Đề án bảo tồn Sếu đầu đỏ, huyện Tam Nông còn là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, bền vững và hài hòa với thiên nhiên.
Nhiều mô hình canh tác tiên tiến đã được triển khai như: “Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp”; “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ”; “Đề án phát triển bền vững 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”...
Các mô hình này không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn hạn chế tác động xấu đến môi trường, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Việc khai thác đa giá trị trên cùng một đơn vị diện tích cũng góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân. Đây chính là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất đơn thuần sang sản xuất sinh thái góp phần xây dựng nền kinh tế xanh bền vững cho Đồng Tháp hôm nay và mai sau.
Về lợi ích từ việc gắn kết giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển nông nghiệp xanh tại huyện Tam Nông, việc Đồng Tháp triển khai Đề án bảo tồn Sếu đầu đỏ, đồng thời phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh đã tạo nên sự cộng hưởng tích cực trong phát triển du lịch sinh thái tại địa phương.
VQG Tràm Chim là khu vực bảo tồn nhiều loài chim quý của tự nhiên.
Đồng Tháp đang từng bước khẳng định vị thế là địa phương tiên phong trong bảo tồn di sản thiên nhiên gắn với phát triển bền vững. Từ những cánh đồng lúa sinh thái đến những cánh chim Sếu đầu đỏ trở về, tất cả đều là minh chứng cho một cách làm bài bản, đầy trách nhiệm.
Từ vùng đất ngập nước Tràm Chim, một thông điệp xanh đang lan tỏa, bảo tồn không phải là sự giữ gìn đơn thuần, mà là khởi nguồn cho những giá trị mới, nơi kinh tế, môi trường và văn hóa cùng song hành phát triển. Bảo tồn, phát triển sếu đầu đỏ không chỉ có ý nghĩa đối với Vườn Quốc gia Tràm Chim mà còn đối với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học toàn cầu. Trước đó, ngày 12-12-2024, tại VQG Tràm Chim, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức công bố "Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim giai đoạn 2022-2032" (gọi tắt là Đề án).
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Đề án có 5 nhiệm vụ trọng tâm. Bao gồm, nhận, nuôi dưỡng sếu chuyển giao, đồng thời nghiên cứu sinh sản và tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên tại VQG Tràm Chim. Cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim, hướng đến phục hồi và bảo tồn các giá trị về đa dạng sinh học điển hình của vùng Đồng Tháp Mười xưa.
Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc bảo đảm sinh kế của người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu về môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong nước và quốc tế, hiểu đúng và đầy đủ về các giá trị mà chương trình bảo tồn, phát triển sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim mang lại;
Hướng đến việc vận động, kêu gọi nhiều nguồn lực phục vụ việc bảo tồn sếu đầu đỏ nói riêng và bảo tồn đa dạng sinh học ở VQG Tràm Chim nói chung thời gian tới. Ngoài ra, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cơ bản, bảo đảm phục vụ tốt khu vực nuôi, thả sếu đầu đỏ trong giai đoạn tiếp theo.
Bảo vệ sếu đầu đỏ góp phần gìn giữ một biểu tượng của hệ sinh thái đất ngập nước, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đồng Tháp trong việc bảo vệ môi trường, phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Những nỗ lực bảo tồn sếu đầu đỏ tại Đồng Tháp thể hiện tầm nhìn chiến lược; tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội thân thiện với môi trường.
Bích Nga
Bình luận