Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 12:07
Thứ năm, 10/07/2025 10:07
TMO - Sự xuất hiện với tần suất dày đặc của loài cá voi là dấu hiệu quan trọng cho thấy hệ sinh thái biển Gia Lai đang dần phục hồi và phát triển theo hướng bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai, từ năm 2022 đến nay, đặc biệt trong tháng 6 và 7/2025, cá voi Bryde thường xuyên xuất hiện tại nhiều vùng biển ven bờ của tỉnh như: Xuân Thạnh (xã Phù Mỹ Đông), Vũng Bồi (xã An Lương), xã Đề Gi, Hòn Sẹo, Hòn Cỏ, Hòn Khô Lớn (phường Quy Nhơn Đông), Mũi Gành (phường Hoài Nhơn Đông)…Việc loài cá voi này liên tục xuất hiện cho thấy môi trường và hệ sinh thái biển Gia Lai đang dần phục hồi, với nguồn thức ăn dồi dào phù hợp tập tính kiếm ăn của chúng.
Cá voi Bryde thuộc họ cá voi lưng gù (Balaenopteridae), có đặc điểm dễ nhận diện là ba đường gờ chạy trên đỉnh đầu phía trước lỗ thở, cùng 40-70 nếp gấp ở vùng cổ họng giúp mở rộng miệng khi kiếm ăn. Cá voi Bryde sống gần bờ, xuất hiện nhiều ở vùng biển Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt quanh khu vực Vịnh Thái Lan. Tại Việt Nam, chúng được ghi nhận ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Cá voi săn mồi trên vùng biển khu vực Vũng Bồi, Đề Gi (Ảnh: TT).
Tại Gia Lai, tần suất cá voi Bryde xuất hiện ngày càng dày trong khoảng 5 năm trở lại đây. Việc các loài động vật biển lớn như cá voi chọn một vùng biển làm nơi kiếm ăn không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của quá trình thích nghi lâu dài với điều kiện môi trường thuận lợi.
Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng tàu du lịch, ca nô, tàu cá tiếp cận quá gần khu vực có cá voi. Một số tour du lịch tự phát tổ chức cho khách đi xem cá voi, chụp ảnh… có thể khiến loài thú biển này căng thẳng, bỏ đi hoặc thậm chí bị mắc cạn.
Cá voi Bryde sử dụng hạ âm để định hướng và giao tiếp, nên tiếng động cơ tàu thuyền có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chúng. Chỉ một va chạm nhẹ cũng đủ gây chấn thương. Đặc biệt, với tập tính "ăn dựng" (lùa thức ăn vào miệng rộng mở), cá voi Bryde rất dễ nuốt phải túi nilông hoặc rác thải nhựa trôi nổi trên biển.
Do đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai có công văn gửi Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch, UBND các xã, phường ven biển và cơ quan báo chí của tỉnh, đề nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy tắc tiếp cận cá voi trong hoạt động du lịch. Cùng với đó, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động các tour xem cá voi phải giữ khoảng cách tối thiểu 100 m, không tiếp cận phía trước đầu hoặc phía sau đuôi cá. Hạn chế tốc độ, tốt nhất là tắt động cơ khi tiếp cận khu vực có cá voi, không để quá 3 tàu hoạt động trong khu vực có cá voi.
UBND các xã, phường ven biển tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân và chủ tàu cá chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong khu vực có cá voi xuất hiện. Đồng thời, phối hợp giám sát hoạt động của tàu du lịch, tàu dịch vụ nhằm đảm bảo không gây ảnh hưởng đến loài thủy sản quý hiếm này, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng...
Việc bảo vệ các đàn cá voi không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học biển mà còn giúp Gia Lai xây dựng hình ảnh một điểm đến sinh thái hấp dẫn, phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường, từng bước định hình cá voi như biểu tượng sinh thái mới của tỉnh./.
Đức Thành
Bình luận