Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ năm, 26/10/2023 08:10
TMO - Những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới vào sản xuất đó là đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chăn nuôi trang trại phát triển, quy mô trang trại lớn với gần 470.000 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng trọt hơn 277.000 ha, đất lâm nghiệp 180.000 ha, đất nuôi thủy sản gần 8.000 ha, đàn heo khoảng 2,4 triệu con, đàn gia cầm khoảng 25 triệu con. Với diện tích trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn nên việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã được chú trọng.
Cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến nay đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng suất lao động trong ngành, giảm thất thoát sản phẩm, giảm mức độ khai thác tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, từng bước thực hiện tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có gần 257,5 nghìn máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn gia súc, vệ sinh chuồng trại đạt gần 100%; có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín. Nhiều chương trình hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được triển khai hiệu quả như: Chương trình phát triển kinh tế trang trại; Chương trình xây dựng và phát triển hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản nông sản cho hàng chục hợp tác xã nông nghiệp; Chương trình khuyến công đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị áp dụng trong sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, trang trại đã có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất; phát triển dịch vụ cơ giới nông nghiệp…
Đáng chú ý, cơ giới hóa trong trồng trọt 100% khâu làm đất, khâu tưới, tiêu đã được cơ giới, đã có 90.000 ha cây ăn trái, cây công nghiệp, rau màu áp dụng hệ thống tưới tiên tiến kết hợp bón phân, một số diện tích được điều khiển tưới tự động theo chương trình. Về khâu thu hoạch, có 100% diện tích gieo trồng lúa, bắp, đã sử dụng máy gặt đập liên hợp, tách hạt, băm cây. Vận chuyển, xay xát, tách hạt đạt tỉ lệ cơ giới hóa cao. Công tác bảo vệ thực vật tỉ lệ cơ giới hóa đạt 100%. Một số ít diện tích sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng Nai tăng cường cơ giới hóa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Về cơ giới hóa ngành chăn nuôi, thủy sản, Đồng Nai là một trong những vùng chăn nuôi quy mô công nghiệp trọng điểm của cả nước, do đó các đối tượng sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có nhiều cơ hội để tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn gia súc (nghiền, trộn, băm), vệ sinh chuồng trại hầu hết đều được cơ giới hóa; hệ thống làm mát chuồng đạt 50%.
Toàn tỉnh có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín, có 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong việc điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống thu gom chất thải, thu trứng, gần 90 % trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo cam kết bảo vệ môi trường.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới các sở ngành và địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp, người dân nắm đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 4406/QĐ- UBND ngày 10/12/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Ngành nông nghiệp tích cực triển khai áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và đào tạo, nâng cao tay nghề của người nông dân. Ngành cũng cần định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy mô hàng hóa tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp gắn với áp dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường. Nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm hàng hóa, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở ngành và địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa phù hợp với sản xuất nông nghiệp.Sở cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan khoa học và các đơn vị nghiên cứu chuyển giao trên địa bàn tỉnh; đặt hàng nghiên cứu và lựa chọn sử dụng các kết quả vào thực tế sản xuất ứng dụng máy móc, thiết bị, phần mềm quản lý tại tỉnh. Sở ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án khoa học và công nghệ liên quan đến hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản, đặc biệt là cơ giới hóa nông nghiệp, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm. Chuyển giao các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở ngành và địa phương tiếp tục triển khai chương trình khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh; Hỗ trợ quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường...
Thu Hồng
Bình luận