Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ tư, 08/03/2023 12:03
TMO - Quá trình phát triển kinh tế-xã hội cùng với sự gia tăng dân số đã tạo ra áp lực lớn đối với công tác quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Định. Thời gian qua, địa phương này đang triển khai đồng bộ các giải pháp trong đó chú trọng đến công tác rà soát, giám sát hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, hiện lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.030 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 705 tấn/ngày, chiếm gần 68,5% tổng lượng rác phát sinh. Trong khi tỷ lệ thu gom rác ở khu vực đô thị đạt 82,59% thì tỷ lệ thu gom rác ở khu vực nông thôn chỉ đạt gần 52,5%. Hiện rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sau khi thu gom được đưa về các bãi rác và xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Đối với chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh mỗi ngày khoảng 7,4 tấn/ngày, khối lượng được thu gom, xử lý khoảng 6 tấn, chiếm tỷ lệ 81,5%. Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 310 tấn/ngày; trong đó, khoảng 85% được tái sử dụng, còn lại được xử lý hoặc chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, tổng khối lượng chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 7,4 tấn/ngày, khối lượng chất thải nguy hại được thu gom, xử lý khoảng 6,0 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ 81,5%). Về chất thải y tế nguy hại, tất cả đều được thu gom và xử lý đảm bảo tại các cơ sở xử lý đã được cấp phép hoạt động.
Chất thải rắn từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và xử lý tại các nhà máy xử lý rác trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa)
Bình Định hiện nay có 11 đơn vị hành chính bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện, được phân thành 159 đơn vị cấp xã gồm 32 phường, 11 thị trấn và 116 xã. Lượng chất thải rắn sinh hoạt nguy hại có chiều hướng gia tăng hơn so với những năm trước từ 5 – 12%/năm. Dự báo lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh toàn khu vực trong giai đoạn từ 2025-2035 khoảng 1.200- 1.500 tấn/ngày. Đối với chất thải rắn công nghiệp khoảng 1300-2100 tấn/ngày. Chất thải rắn y tế khoảng 8,0 - 11,0 tấn/ngày.
Thời gian tới, tỉnh Bình Định từng bước hình thành hệ thống đồng bộ quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh và các khu cụm công nghiệp, khu kinh tế. Trong quy hoạch xử lý chất thải rắn lần này phải ưu tiên nghiên cứu các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, xây dựng một số cơ sở xử lý, tái chế CTR như: chế biến CTR thành phân vi sinh, vật liệu xây dựng, khí đốt, điện...
Nhằm nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn, thời gian tới tỉnh Bình Định triển khai phân vùng thu gom xử lý chất thải rắn Dựa theo phân vùng địa lý cũng như đảm bảo tính liên kết vùng, huyện. Khu xử lý CTR cấp vùng (liên đô thị) có bán kính, khoảng cách phục vụ khoảng 25-30 km. Các khu xử lý CTR có thể giải quyết nhu cầu xử lý CTR của các đô thị ở gần nhau trong vùng, không phân chia ranh giới giữa các đô thị; toàn tỉnh chia thành 2 vùng thu gom để vận chuyển đến các cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt thuận tiện theo các trục đường quốc lộ và đường tỉnh.
Theo đó Vùng 1: Vùng phía Nam tỉnh bao gồm Thành phố Quy Nhơn, Thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn, Phù Mỹ. Vùng 2 : Vùng phía Bắc tỉnh gồm: Thị xã Hoài Nhơn, huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân; Chất thải công nghiệp: Chất thải công nghiệp thông thường được tập trung thu gom cùng chất thải rắn sinh hoạt theo các vùng đã phân chia, chất thải rắn nguy hại được phân loại riêng và vận chuyển chuyên dụng về cơ sở chuyên xử lý chất thải nguy hại.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển rác thải.
Theo Kế hoạch 15/KH-UBND tỉnh Bình Định ngày 08/2/2021 triển khai thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg ngảy 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTR trên địa bàn tỉnh Bình Định, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới và không đầu tư các lò đốt không phù hợp với quy định tại QCVN 61MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt sẽ giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện.
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới, lò đốt rác thải quy mô cấp xã không phù hợp với quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; đối với các khu vực nông thôn phải tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost.
Hiện nay Sở TN&MT tỉnh đang phối hợp với Sở KH&ĐT lập nội dung, phương án quy hoạch quản lý chất thải rắn nằm trong Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tham mưu UBND tỉnh xem xét. Phương án xây dựng nhà máy xử lý, lò đốt, bãi chôn lấp chất thải rắn phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đảm bảo tính khả thi. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp còn dưới 10% đối với TP Quy Nhơn; giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30% đối với các huyện, thị xã.
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đang phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam để triển khai xây dựng Cơ sở Thu hồi Vật liệu nhằm nâng cao giá trị của chất thải nhựa và vật liệu tái chế với sự tham gia của khu vực tư nhân và lao động thu gom rác phi chính thức (ve chai). Dự kiến, Cơ sở Thu hồi Vật liệu (MRF) có thể xử lý tới 2-4 tấn rác nhựa mỗi ngày, điều này sẽ giúp Thành phố Quy Nhơn ngăn rác thải nhựa bị thải ra các bãi chôn lấp hoặc ra môi trường.
Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2030, thu gom xử lý 100% chất thải rắn ở đô thị loại 1; 90% ở đô thị loại 2-4; 85% ở đô thị loại 5 và 80% ở nông thôn. Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt 83-84%; Tỷ lệ CTR công nghiệp thông thường thu gom và xử lý đạt 100%. Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; áp dụng công nghệ tổng hợp cho Liên hợp xử lý CTR tại các khu xử lý bao gồm các chức năng: Nhà máy chế biến phân vi sinh; Nhà máy xử lý CTR công nghiệp; Khu tái chế chất thải rắn vô cơ; Lò đốt CTR y tế nguy hại; Khu chôn lấp hợp vệ sinh (với những chất thải rắn không xử lý được).
Hoàng Ngân
Bình luận