Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ hai, 03/04/2023 07:04
TMO - Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về không khí năm 2021, công tác kiểm soát khí thải xe ô tô và xe máy chuyên dùng mới lắp ráp và nhập khẩu đã được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc, đây là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí.
Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, tính đến hết năm 2021, trên phạm vi cả nước có trên 4.512.500 xe ô tô và hàng chục triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành. Số lượng xe cơ giới tăng cao chủ yếu là phương tiện cá nhân tại các khu đô thị. Để giảm thiểu phương tiện cá nhân lưu thông, các thành phố, nhất là thành phố lớn đã tăng cường và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, mức độ đáp ứng nhu cầu của giao thông công cộng tại các đô thị còn hạn chế. Xe buýt mới đáp ứng được 13% nhu cầu của người dân tại Hà Nội và 10% tại Thành phố Hồ Chí Minh. Con số này tại Hải Phòng, Ðà Nẵng, Cần Thơ mới đạt khoảng 1%. Các phương tiện giao thông công cộng khác hoặc còn đang trong thời gian xây dựng, hoặc chưa phát huy được hết vai trò. Về chất lượng của các phương tiện giao thông, qua triển khai thực hiện các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chất lượng phương tiện giao thông đã được cải thiện; tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải mới áp dụng được đối với các phương tiện lắp ráp, nhập khẩu mới.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính (2021) và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô, xe máy Việt Nam (VAMA, 2021), số lượng xe máy mới được sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu mới từ năm 2008 đến năm 2020 tương ứng là 21.038.760 chiếc sản xuất, nhập khẩu trong nước và 1.317.800 chiếc nhập khẩu, xe ô tô là 926.600 chiếc nhập khẩu từ nước ngoài, 1.121.389 chiếc sản xuất, lắp ráp trong nước, xe ô tô đều đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải Mức 4.
Khí thải từ các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Ảnh: MQ.
Theo Bộ Giao thông vận tải, đến hết năm 2020 có gần 4.000 xe khách và trên 12.000 xe tải đã hết niên hạn sử dụng. Đối với niên hạn sử dụng của xe máy hiện chưa có quy định cụ thể, do đó rất nhiều xe máy đã sử dụng từ 10 đến 20 năm hiện vẫn tham gia giao thông đường bộ và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Kết quả kiểm định khí thải xe ô tô tham gia giao thông và xe máy năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, vẫn còn một số xe phát thải vượt tiêu chuẩn giới hạn khí thải phương tiện giao thông đường bộ. Thành phần ô nhiễm chính của khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu động cơ bao gồm CO, NOx , SO2, bụi PM10, bụi PM2,5… Ở các thành phố lớn, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một trong những nguồn phát thải lớn nhất.
Theo báo cáo Hiện trạng môi trường TP.HCM năm 2021, loại hình này đóng góp khoảng 75% lượng phát thải bụi PM2,5. Tại Hà Nội, đây cũng được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường không khí. Bên cạnh đó, tiếng ồn từ các phương tiện giao thông cũng là một trong những thách thức lớn đối với các đô thị hiện nay.
Để kiểm soát các nguồn phát thải từ các lĩnh vực giao thông, xây dựng, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ cũng đã ban hành các quy định như: Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”; Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông, xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu; Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống dùng cho động cơ xăng và động cơ diesel của các phương tiện cơ giới đường bộ… Ngoài ra, việc thực hiện chính sách của Chính phủ về khuyến khích phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt, bao gồm khuyến khích đầu tư xe buýt sử dụng năng lượng sạch của để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại đô thị tiếp tục được mở rộng.
Chương trình quan trắc định kỳ của Bộ, của địa phương tiếp tục được duy trì thực hiện. Ở cấp quốc gia, Bộ TN&MT triển khai chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí tại 03 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam; các Bộ, ngành thực hiện một số chương trình quan trắc thuộc lĩnh vực quản lý. Ở cấp địa phương, chương trình quan trắc môi trường, bao gồm môi trường không khí, cũng được triển khai định kỳ hằng năm để giám sát thường xuyên các thông số theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm chương trình đo kiểm khí thải, thí điểm tiếp nhận xe mô tô, xe gắn máy cũ.
Để kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông, từ ngày 12-30/11/2021, thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm chương trình đo kiểm khí thải, thí điểm tiếp nhận xe mô tô, xe gắn máy cũ mà người dân thải bỏ và hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy mới. Công tác kiểm soát khí thải xe ô tô và xe máy chuyên dùng mới lắp ráp và nhập khẩu đã được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc. Đến năm 2021, đã thử nghiệm, chứng nhận về khí thải đối với 1.290 kiểu loại xe cơ giới và động cơ ô tô hạng nặng; thử nghiệm, chứng nhận về tiêu thụ nhiên liệu đối với 928 kiểu loại xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy; kiểm tra, chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với 3.011.469 lượt phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, 3.278 lượt phương tiện đường sắt, 1.048 lượt tàu biển, 37.383 lượt phương tiện thủy nội địa từ đó đã ngăn chặn được xe, động cơ có công nghệ cũ, lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất cơ chế, chính sách tăng cường quản lý các phương tiện giao thông đường bộ, từng bước phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030; lập quy hoạch phương tiện giao thông đường bộ, xây dựng đề án giao thông thông minh, số hóa dữ liệu giao thông.
UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện 19 giải pháp cụ thể nhằm quản lý cải thiện chất lượng không khí như: tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; xây dựng kế hoạch vận động đến ngày 31/12/2020 không còn hộ sử dụng bếp than tổ ong; triển khai đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”; triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, 5…
Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hướng tới phát triển "giao thông xanh" thông qua việc sử dụng các phương tiện giảm phát thải.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đầu tư, cải thiện mạng lưới vận tải công cộng, đảm bảo khí thải các phương tiện công cộng đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2, lắp đặt các trạm nạp khí CNG phục vụ xe buýt công cộng. Tính đến nay, có 453 xe sử dụng CNG trên tổng số 2.457 xe (đạt tỷ lệ 17,4%). Nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ nhằm thiết lập mô hình lan truyền ô nhiễm không khí, đề án tính tải lượng phát thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn thành phố cho thấy các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí do giao thông vận tải làm giảm 70% lượng phát thải. Kiểm tra khí thải các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác cũng từng bước tăng cường năng lực quản lý chất lượng môi trường không khí căn cứ theo thực trạng của từng địa phương.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật là công cụ pháp lý hiệu quả để Bộ TN&MT cũng như các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện quản lý và bảo vệ môi trường không khí. Bên cạnh đó, Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ với các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường không khí được kế thừa và bổ sung phù hợp với tình hình mới, là cơ sở để Bộ TN&MT cũng như các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường hiệu quả công tác quản lý và cải thiện chất lượng không khí.
Thời gian tới, để ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động giao thông gây ra, các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực được giao quản lý, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, xây dựng. Triển khai tốt các hoạt động kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí (giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng); xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe; yêu cầu chủ dự án các công trình đầu tư xây dựng phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công, xây dựng.
Các đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác cần tiếp tục tăng cường số lượng và bảo đảm duy trì vận hành liên tục các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục trên địa bàn để cung cấp, chia sẻ thông tin khoa học, chính xác đến cộng đồng cũng như để xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí phù hợp với yêu cầu thực tiễn ở địa phương.
Đối với cộng đồng: khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; tăng cường sử dụng các loại phương tiện thân thiện môi trường trong các khu vực nội đô; Tổ chức các biện pháp kiểm soát, điều tiết các phương tiện giao thông hợp lý; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường; phát triển hệ thống giao thông công cộng và khuyến khích người dân giảm phương tiện cá nhân; quản lý chất thải, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị để giảm thiểu khí thải, bụi phát tán...
Minh Hương
Bình luận