Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ bảy, 30/09/2023 06:09
TMO - Với việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ carbon rừng sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho các địa phương để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, các hộ sống trong và ven rừng nói chung.
Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2021 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Giám đốc Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan quản lý hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đã ký Ý định thư về giảm phát thải, đây là căn cứ để hai bên đàm phán, ký kết và thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng cho 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo Ý định thư này, Việt Nam dự kiến sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2026 với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn CO2tđ. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF sẽ được tính vào cam kết đóng góp giảm phát thải (NDC) của Việt Nam.
Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra nhiều tín chỉ carbon.
Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra nhiều tín chỉ carbon. Việc bán tín chỉ carbon rừng sẽ giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải. Với các chủ rừng, nông dân sẽ nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ. Lĩnh vực lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu hấp thụ carbon rừng, tạo sự cân bằng với giảm phát thải. Lĩnh vực lâm nghiệp đóng góp khoảng 22% khi Việt Nam tự thực hiện và thêm 12% khi có sự hỗ trợ vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia đến năm 2030, để đến năm 2050 sẽ cân bằng đạt phát thải ròng bằng 0.
Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với tổng diện tích rừng khoảng 4,29 triệu ha, chiếm trên 29% diện tích rừng cả nước, có tầm quan trọng đặc biệt về tài nguyên rừng, đa dạng sinh học đã được lựa chọn để thực hiện sáng kiến LEAF. Cục Lâm nghiệp cho biết trong thời gian tới khi thỏa thuận mua bán phát thải chính thức được các bên ký kết thì các chủ rừng ở Tây nguyên, Nam Trung Bộ sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện sinh kế. Các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để tái đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ rừng.
Trong tương lai, nếu mở rộng diện tích rừng tham gia vào thỏa thuận mua bán phát thải của LEAF, Việt Nam sẽ có thêm kênh huy động tài chính hiệu quả, giảm gánh nặng cho nguồn lực ở trong nước đầu tư vào trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chương trình này sẽ tạo ra động lực thu hút người dân chủ động, tích cực tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Bình Thuận là một trong 11 tỉnh dự kiến tham gia thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ (ERPA) trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và LEAF. Theo công bố hiện trạng rừng năm 2022 tỉnh Bình Thuận có, tổng diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng của tỉnh là 349.625 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 342.410 ha và diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng 7.215 ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn tính tỷ lệ che phủ rừng là 342,410 ha/794.260 ha, đạt tỷ lệ che phủ rừng là 43,11%.
Với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn (296.927 ha), việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, các hộ sống trong và ven rừng nói chung; chia sẻ, giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Là tỉnh tiếp cận nền tảng giao dịch REDD+ từ 15 năm trước và là một trong 2 tỉnh thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đầu tiên ở Việt Nam, do đó, đây là sẽ cơ sở rất thuận lợi để Lâm Đồng khi tham gia LEAF. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng kiến nghị mức phát thải cơ sở và kết quả giảm phát thải được tính sau khi khấu trừ do rủi ro đảo nghịch; rủi ro do rò rì phát thải nên tính toán chung cho 2 vùng này. Khi đó, tính toán tổng lượng tín chỉ có thể thương mại theo yêu cầu của TREES (tiêu chuẩn môi trường REDD+tối ưu) tại 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh Nam Trung bộ thuận lợi.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Chương trình REDD+ của Liên hợp quốc (UBREDD) hỗ trợ tư vấn sử dụng dữ liệu viễn thám để tính toán lượng giảm phát thải theo cấp vùng cho cả 11 tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ nguồn ảnh này thường xuyên và cung cấp cho các tỉnh để thực hiện nhiệm vụ giám sát để đáp ứng yêu cầu của Cơ quan quản lý giao dịch REDD+ theo tiêu chuẩn của TREES cần có dữ liệu diện tích để tính toán carbon là dữ liệu không gian và phân theo hiện trạng rừng giai đoạn tham chiếu (2016 - 2020). Trong khi, với tình hình 11 tỉnh như hiện nay, không có nguồn ảnh viễn thám chất lượng cao đồng nhất về thời điểm.
Khi thỏa thuận mua bán phát thải chính thức được các bên ký kết thì các chủ rừng ở Tây nguyên, Nam Trung Bộ sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện sinh kế.
Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng và tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.
Cục Lâm nghiệp đã hoàn thiện việc xây dựng cơ chế chuyển quyền carbon và trình Chính phủ trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp. Trong dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 156 đang trình Chính phủ thì có bổ sung riêng hẳn một điều 72a quy định chi tiết về việc thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng. Đây chính là cơ sở pháp lý đầy đủ việc giao dịch tín chỉ carbon rừng của Việt Nam.
Bao gồm quy định về đối tượng có thể cung cấp về dịch vụ carbon rừng và các chủ rừng, đối tượng có thể tham gia kết quả giảm phát thải này và quy định về điều kiện được tham gia, cũng như trình tự thủ tục lập đề án giảm phát thải, việc quản lý tài chính… Trong dự thảo Nghị định bổ sung rõ quyền carbon rừng là quyền mua bán, chuyển nhượng, cung ứng hợp tác liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và hưởng lợi từ kết quả giảm phát thải. Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý ho việc giao dịch tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang xây dựng bộ Tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ carbon rừng để áp dụng cho thị trường carbon trong nước.
Thực hiện các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030 và năm 2050, ngành lâm nghiệp đã tích cực chủ động tham mưu cho Chính phủ tham gia các sáng kiến quốc tế và chương trình giảm phát thải nhằm chống suy thoái rừng và bảo vệ rừng. Thực hiện các sáng kiến đó, hiện nay các khu vực có tiềm năng về phục hồi rừng cũng như nâng cao trữ lượng carbon của rừng đã xây dựng, triển khai các thỏa thuận và đàm phán để chuyển giao các tín chỉ carbon rừng.
Tháng 10/2020, Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng thế giới (WB). Theo ERPA, Việt Nam sẽ chuyển cho WB 10,3 triệu tấn, với giá 5 USD/tấn và 95% lượng này sẽ được tính đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định). Đến nay, các thủ tục về pháp lý, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và WB đã chuyển cho Việt Nam 80% tổng kinh phí, tương đương 41,2 triệu USD. Các địa phương đang mở tài khoản tiếp nhận và xây dựng chia sẻ lợi ích theo đúng nghị định về thí điểm thỏa thuận quản lý tài chính và sử dụng kết quả giảm khí thải. Phần lớn phí sẽ được trả cho các chủ rừng, đặc biệt cộng đồng tham gia bảo vệ phát triển rừng, hỗ trợ sinh kế theo đúng cam kết thỏa thuận đàm phán.
Từ năm 2007, thế giới hình thành thị trường tín chỉ carbon rừng theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Các nước phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ tìm mua tín chỉ/giấy phép carbon rừng từ kết quả hoạt động REDD+ tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương.
Liên minh LEAF được hỗ trợ bởi 4 chính phủ tài trợ (Anh, Mỹ, Na Uy, Hàn Quốc) và hơn 25 tập đoàn là các thành viên có cam kết mạnh mẽ về giảm mất rừng. LEAF được thành lập tháng 4/2021 với mục tiêu chấm dứt nạn mất rừng thông qua cung cấp tài chính cho nỗ lực bảo vệ rừng nhiệt đới với quy mô từ 2,5 triệu ha trở lên. Đây không phải chương trình/dự án carbon (CO2) hay tổ chức cấp tiêu chuẩn CO2. Tất cả các tín chỉ giao dịch qua LEAF được đăng ký và phát hành theo tiêu chuẩn TREES (tiêu chuẩn môi trường REDD+tối ưu) bởi ART (nền tảng giao dịch REDD+).
Mạnh Dũng
Bình luận