Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Thứ sáu, 15/12/2023 07:12
TMO - Nhiều công nghệ mới, hiện đại trong nuôi trồng, giám định, kiểm soát bệnh thủy sản được các địa phương trên cả nước triển khai áp dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngành thủy sản những năm qua có tốc độ tăng trưởng ổn định 4,5 - 5%, chiếm 28,7% trong tổng giá trị toàn ngành Nông nghiệp và không ngừng phát triển về giá trị sản xuất và xuất khẩu. Kết quả này có sự đóng góp của khoa học công nghệ… Hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những bước phát triển mạnh, sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của cả nước.
Hiện nước ta có khoảng 130 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với sản lượng 3,77 triệu tấn, đáp ứng 85,6% nhu cầu trong nước. Trong đó, có 96 cơ sở sản xuất thức ăn cá tra, 68 cơ sở thức ăn tôm sú và 38 cơ sở thức ăn tôm chân trắng. Ngành chế biến thủy sản của nước ta hiện có gần 600 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế gần 2,8 triệu tấn sản phẩm/năm. Hiện trong lĩnh vực chế biến thủy sản, tỷ trọng sản phẩm sơ chế chiếm 51%; sản phẩm làm sẵn chiếm 36%; sản phẩm ăn liền chiếm 13%.
Việc nghiên cứu và áp dụng khoa học trong chế biến bảo quản thủy sản đã tạo ra nhiều mặt hàng mới, làm thay đổi cơ cấu sản phẩm thủy sản. Đối với nuôi trồng, công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực đã được cải thiện, đáp ứng nhu cầu thị trường. Số lượng, chất lượng con giống cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể, cá rô phi cơ bản được nâng lên, đủ để sản xuất; tỷ trọng giống tôm nước lợ chất lượng được sản xuất trong nước tăng đáng kể, kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường trong nước; giống tôm sú bước đầu được xuất khẩu sang các nước như: Indonesia, Thái Lan, Bangladesh…
Giai đoạn 2018-2022, ngành thủy sản đã xây dựng được 56 quy trình công nghệ nuôi, sản xuất giống, khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm được công nhận tiến bộ kỹ thuật; chọn tạo được 23 giống cá, tôm cho tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt... Cùng với đó, đã nghiên cứu đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn đề về dịch bệnh trên tôm, cá; xây dựng được công thức thức ăn cho một số đối tượng nuôi như cá tra, tôm hùm, ốc hương, cá biển...
Khoa học công nghệ tạo giữ vai trò quan trọng trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên cả nước.
Thời gian qua, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, công nghệ cao vào phát triển thủy sản. Tại Cà Mau, nơi có diện tích nuôi thủy sản lớn của cả nước, trong giai đoạn 2019-2023, tỉnh đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ với hơn 145 đề tài/dự án (hơn 70% là đề tài/dự án ở lĩnh vực ngư-nông-lâm nghiệp). Trong đó, lĩnh vực khai thác và bảo quản hải sản ứng dụng công nghệ cao, nổi bật với các ứng dụng công nghệ lạnh thấm, lạnh nhanh bằng hầm bảo quản hải sản vật liệu PU trong khai thác xa bờ; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa công tác quản lý trên biển bằng phần mềm quản lý tàu cá và việc lắp đặt hệ thống thông tin giám sát tàu cá.
Lĩnh vực nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao như: Quy trình nuôi tôm tuần hoàn RAS không xả thải, quy trình 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ biofloc, semibiofloc, CP, nuôi tôm an toàn sinh học... năng suất trung bình từ 30-50 tấn/ha, cá biệt lên 72 tấn/ha, đã và đang được triển khai ứng dụng mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, Cà Mau đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến sự phát triển bền vững trong khai thác và nuôi trồng thủy sản: Đầu tư hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ khai thác còn lạc hậu; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết; nguồn lực về tài chính đầu tư cho công nghệ cao còn nhiều bất cập, nhất là cơ chế chính sách chưa thu hút đầu tư từ doanh nghiệp tham gia.
Các chuyên gia cho rằng, địa phương này cần ứng dụng quy trình tuần hoàn (RAS) trong nuôi tôm siêu thâm canh thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi số trong nuôi tôm siêu thâm canh trung hòa cacbon; ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất giống tôm thẻ chân trắng thích ứng biến đổi khí hậu; một số công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chế biến tôm đáp ứng thị trường xuất khẩu,…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin khoa học công nghệ cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào lĩnh vực thủy sản; đồng thời, cần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong ngành thủy sản. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống, sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh thủy sản.
Thùy Minh
Bình luận