Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ bảy, 10/06/2023 12:06
TMO - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh đang tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp, đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Xu thế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu công nghệ, thay đổi nguyên vật liệu để sản xuất các sản phẩm xanh, xây dựng thương hiệu xanh nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Để làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp tăng trưởng xanh, các chuyên gia, nhà khoa học của VACNE đã làm rõ những khái niệm liên quan đến nội dung này như: kinh tế xanh, doanh nghiệp xanh, biến đổi khí hậu và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trước tiên, Kinh tế xanh là thuật ngữ mới xuất hiện trong những năm gần đây, được chính thức sử dụng tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững họp tháng 6/2012 tại thành phố Rio de Janeiro Braxin (gọi tắt là Rio+20). Thuật ngữ “kinh tế xanh” xuất hiện gắn với bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ nét và tác động tiêu cực ngày càng lớn tới tiến trình thực hiện phát triển bền vững thậm chí còn trở thành một mối nguy cơ gia tăng đe dọa phá vỡ tiến trình phát triển bền vững cả trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Trong các tài liệu quốc tế có nhiều định nghĩa về kinh tế xanh, tại Việt Nam trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 sử dụng định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), theo đó “Nền kinh tế xanh là nền kinh tế tạo ra, phân phối sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo, giao thông, nhiên liệu sạch và công trình xanh, giảm mức tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu, nước thông qua chiến lược hiệu quả năng lượng và tài nguyên, chuyển đổi từ các cấu phần carbon sang không carbon”.
Sản xuất xanh hay xanh hóa sản xuất là thuật ngữ ra đời từ sớm hơn kinh tế xanh, ban đầu với hàm ý là hoạt động sản xuất nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ tài nguyên và môi trường. Sản xuất sạch hơn là thuật ngữ ban đầu được sử dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp ở các nước trong đó có Việt Nam, theo đó “Sản xuất sạch hơn là sự áp dụng liên tục một chiến lược môi trường mang tính phòng ngừa tổng hợp vào quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả tổng và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường”.
Theo thời gian, xu hướng này được chuyển sang tăng trưởng xanh, kinh tế xanh. Khái niệm sản xuất sạch hơn dần được thay thế bằng sản xuất xanh với hàm ý rộng hơn, cụ thể đối với doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh tập trung vào mục tiêu lợi nhuận thông qua các quá trình hoạt động thân thiện với môi trường.
Tiêu dùng sản phẩm bao gồm tiêu dùng sản xuất và tiêu dùng cá nhân, nối tiếp ngay sau sản xuất và nền kinh tế xanh quan tâm không chỉ sản xuất xanh mà còn cả tiêu dùng xanh bao gồm cả tận dụng và hạn chế chất thải. Tiêu dùng xanh hay xanh hóa tiêu dùng thường được hiểu là việc mua và sử dụng các sản phẩm để thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà không gây tổn hại tới tài nguyên và môi trường. Khái niệm tiêu dùng xanh cũng đồng nghĩa với khái niệm tiêu dùng thân thiện môi trường hay tiêu dùng bền vững.
Tiêu dùng bền vững là “việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại, đồng thời giảm phát thải và chất gây ô nhiễm trong chu trình sống, không làm tổn hại tới việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau. Hành vi tiêu dùng xanh ở đây bao gồm cả hành vi thải bỏ và “thải bỏ xanh” là thải bỏ ít gây tổn hại đến môi trường, tốt nhất là không thải bỏ chất thải ra môi trường. Một nền kinh tế mà không/rất ít thải bỏ chất thải ra môi trường được gọi là nền kinh tế tuần hoàn.
Hàng hóa/Dịch vụ xanh cũng như các khái niệm xanh khác, là hàng hóa/dịch vụ được tạo ra một cách thân thiện với môi trường. Các quốc gia khác nhau trên thế giới có định nghĩa khác nhau về hàng hóa/dịch vụ xanh tùy thuộc yêu cầu bảo vệ môi trường và tài nguyên. Ở nước ta, trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2025 sản phẩm xanh được định nghĩa là sản phẩm không độc hại, sử dụng năng lượng và nước hiệu quả, và vô hại đối với môi trường”.
Phát triển kinh tế xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở nước ta (Ảnh minh họa).
Cùng với thuật ngữ kinh tế xanh, thì doanh nghiệp xanh là khái niệm dùng để chỉ doanh nghiệp với các hoạt động sản xuất xanh. Doanh nghiệp xanh về bản chất thường gắn với trách nhiệm, mục tiêu về tài nguyên và môi trường và xã hội. Nói một cách cụ thể hơn, doanh nghiệp xanh làm ra lợi nhuận không làm tổn hại tới môi trường, cộng đồng và xã hội. Để xanh hóa doanh nghiệp cần chuyển sang sử dụng công nghệ xanh.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của nước ta xác định công nghệ xanh là công nghệ phát triển, áp dụng sản phẩm, trang bị và những hệ thống được dùng để bảo tồn môi trường và tài nguyên. Sản phẩm được sản xuất ra của doanh nghiệp phải là sản phẩm xanh. Cũng tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của nước ta xác định sản phẩm xanh là những sản phẩm không độc hại, sử dụng năng lượng và nước hiệu quả, vô hại đối với môi trường.
Sản phẩm xanh theo cách hiểu thông thường nhất là những sản phẩm được sản xuất với phương cách, quy trình và công nghệ đạt được 3 mục tiêu thân thiện, tài nguyên và môi trường, trong đó bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, theo các tài liệu quốc tế, một sản phẩm được coi là xanh nếu như đáp ứng 4 tiêu chí sau đây: Sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; Sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn đến môi trường và sức khỏe thay cho các sản phẩm độc hại truyền thống; Sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng và Sản phẩm tạo ra môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe.
Biến đổi khí hậu theo định nghĩa quốc tế là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình hoặc dao động của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài hơn. Biến đổi khí hậu có thể do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc các tác động bên ngoài, hoạt động của con người có thể làm thay đổi thành phần của khí quyển... Biến đổi khí hậu hiện được xác định là nhân tố, bối cảnh mà mọi quyết định phát triển cần phải được tính đến. Nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là do phát thải khí nhà kính, trong đó các hoạt động sản xuất và sinh sống của con người là nguồn phát thải chính.
Con người hiện đang phải ứng phó với các tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, trong đó các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm 2 nội dung chính là Thích ứng với biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Ứng phó với biến đổi khí hậu là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu
Trong đó, thích ứng với biến đổi khí hậu là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương do dao động và biến đổi khí hậu hiện hữu hoặc tiềm tàng và tận dụng các cơ hội do nó mang lại. Giảm nhẹ biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính.
Cùng với những khái niệm trên, các chuyên gia, nhà khoa học của VACNE cũng đề cập đến những nội dung liên quan đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) đây là cuộc cách mạng nối tiếp 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện ban đầu từ khái niệm Công nghiệp 4.0 theo đó đây là sự kết nối các hệ thóng giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.
Cuộc Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau. Những yếu tố cốt lõi trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).
Trong cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, GS Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có 3 biểu hiện rõ rệt nhất: tốc độ, phạm vi và chiều sâu, tác động hệ thống. Với 4 tác động chính lên doanh nghiệp khắp các ngành là: những kỳ vọng của khách hàng đang thay đổi; sản phẩm được nâng cao chất lượng nhờ dữ liệu, giúp tăng những tài sản sinh lời; quan hệ đối tác mới được hình thành do các công ty hiểu được tầm quan trọng của những hình thức hợp tác mới và các mô hình điều hành đang được chuyển đổi thành những mô hình kỹ thuật số mới.
Riêng đối với tài nguyên và môi trường, cuốn sách trên cũng dự báo rằng: “Sự xuất hiện của những thế giới vật chất, kỹ thuật số và sinh học trung tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở ra nhiều cơ hội quan trọng cho thế giới,để đem đến những lợi ích to lớn trong cách sử dụng tài nguyên và sử dụng sao cho hiệu quả.
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển “kinh tế xanh” tại Việt Nam
Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1658/QĐ-TTg nhấn mạnh đến mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực.
Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn. Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường.
Đồng thời xanh hóa nền kinh tế thông qua chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
N.L
(Trích dẫn và biên tập trong cuốn "Doanh nghiệp với Thương hiệu xanh cho phát triển bền vững" của VACNE )
Bình luận