Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ năm, 23/05/2024 14:05
TMO - Nhằm bảo tồn những cổ vật đồng thời quảng bá rộng rãi đến du khách trong nước và quốc tế, mới đây Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã định danh số 10 cổ vật triều Nguyễn và ra mắt trên không gian triển lãm văn hóa số.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với những chức năng gồm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế (được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1993), giá trị Nhã nhạc cung đình Huế - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (được UNESCO công nhận là Di sản Phi vật thể Đại diện của Nhân loại năm 2003), giá trị Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (được Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương), Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng - Cửu Đỉnh (được Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2024) và cảnh quan môi trường gắn liền với quần thể di tích.
Trong bối cảnh cách mạng 4.0, ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ trong mọi lĩnh vực trong đó có công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue CIT) đã tiên phong trong việc tích hợp công nghệ để định danh số 10 cổ vật triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Việc đẩy mạnh công nghệ định danh số mở ra hành trình ứng dụng công nghệ vào bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Cụ thể, các cổ vật được gắn chip NFC và định danh duy nhất bằng công nghệ Nomion của đối tác. Khách tham quan có thể dùng smartphone tương tác với chip NFC gắn trên cổ vật, mở ra tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của cổ vật. Khác với mã QR đang được sử dụng để lưu trữ thông tin, chip NFC Nomion gắn trên cổ vật có khả năng mã hóa dữ liệu, bảo mật cao và chống bị làm giả, đảm bảo sự độc bản và liên kết 1-1 giữa phiên bản vật lý và phiên bản số. Song song đó, bằng công nghệ Blockchain, phiên bản số của cổ vật mang giá trị chứng thực sở hữu cũng như tạo ra tài sản số từ tài sản thật là cổ vật.
Những cổ vật được lựa chọn để định danh là các cổ vật tiêu biểu, đặc trưng của vua quan nhà Nguyễn như ngai, kiệu, hia (đồ ngự dùng trong sinh hoạt và lễ nghi), cành vàng lá ngọc (dùng để trang trí nội thất), hay bộ xăm hường (thú tiêu khiển)… Bên cạnh đó, với mục tiêu quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt Nam ra toàn cầu và khai thác tiềm năng kinh tế số từ di sản, không gian triển lãm văn hóa số đầu tiên về các cổ vật triều Nguyễn cũng được xuất hiện trên metaverse tại địa chỉ website museehue.vn.
Du khách sử dụng smartphone tương tác với chip NFC gắn trên cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: BPL.
Những cổ vật đã được định danh số sẽ đồng thời được trưng bày trên không gian số để người dùng tham quan, chiêm ngưỡng trọn vẹn 360 độ sắc nét, chân thật của cổ vật. Khi người dùng tương tác với các cổ vật, vật phẩm trong vũ trụ ảo, sẽ có các thông tin và câu chuyện, sự tích về vật phẩm, cổ vật đó. Đáng chú ý, không gian số này đã tích hợp Apple Vision Pro, đón đầu làn sóng công nghệ thực tế mở rộng (XR - Extended Reality). Với việc đưa cổ vật lên bảo tàng không gian số, sẽ quảng bá Việt Nam thông qua các di sản đến khách tham quan toàn cầu, đặc biệt là hơn 20 triệu người đang sở hữu các thiết bị như Apple Vision Pro và Meta Quest trên thế giới.
Đại diện Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, sẽ tiếp tục triển khai việc biên soạn nội dung như quét/chụp hình ảnh các cổ vật, hướng đến bảo tàng số theo từng chuyên đề, từng thời điểm, giúp du khách toàn cầu có thể ngắm nhìn, tìm hiểu thông tin với bố cục, màu sắc, âm thanh sống động tương tự như đang tham quan một bảo tàng hay triển lãm thực tế.
Việc định danh số các cổ vật của triều Nguyễn mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, đặc biệt từ trải nghiệm đa giác quan (Immersive Experience) trên triển lãm số, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có thêm cơ hội bán vé tham quan, tăng nguồn thu từ tệp khách hàng số - những khách hàng vốn đang rất thiếu nội dung về văn hoá lịch sử.
Ngoài ra, đơn vị sở hữu còn có thể cho bán các sản phẩm cổ vật replica (phiên bản) được chứng thực cho các khách hàng số có nhu cầu. Từ đó, ngoài việc lan tỏa câu chuyện văn hóa lịch sử Việt Nam ra toàn cầu sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa vốn rất giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng giá trị, kiến tạo nên mô hình kinh tế số hoàn toàn mới tại Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ nói chung và định danh số các cổ vật nói riêng trong việc bảo vệ các cổ vật quý giá là hướng đi đúng đắn, hiệu quả, giúp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cũng như mang đến các hình thức du lịch mới. Thành công bước đầu của việc làm này đã chứng minh công nghệ dù ảo nhưng lại mang đến nhiều giá trị thật, giúp các cổ vật trường tồn với thời gian.
Đồng thời mang lại những trải nghiệm, khám phá mới lạ cho du khách được đến gần hơn, chân thực hơn khi nhìn ngắm cổ vật. Điều này sẽ thúc đẩy việc phát huy các giá trị văn hóa từ quá khứ đến hiện đại, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp không khói, mang về nguồn thu ổn định và lâu dài cho ngân sách quốc gia.
Thanh Bình
Bình luận