Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ sáu, 13/09/2024 07:09
TMO - Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang được xây dựng lấy ý kiến, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Trong dự thảo tờ trình dự án luật, Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ: Ứng dụng công nghệ là một trong những biện pháp để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có ứng dụng mã số, mã vạch và ghi nhãn điện tử. Mã số, mã vạch là một công cụ hữu hiệu được ứng dụng phổ biến trong quản lý và được sử dụng bởi tất cả các bên trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng…
Quy định về ghi nhãn điện tử là một cách hỗ trợ, bổ sung cho cách ghi nhãn bằng phương pháp vật lý truyền thống (dán, in, đính, đúc, chạm, khắc…) cho các nhà sản xuất truyền đạt thông tin, các nội dung bắt buộc theo quy định. Ghi nhãn điện tử cho phép một số nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa được tạo ra theo phương thức điện tử và hiển thị trên màn hình.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong quản lý chất lượng sản phẩm, mã số, mã vạch là yếu tố cơ bản liên kết thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm (công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy của sản phẩm, hàng hóa). Đây là công cụ phục vụ nhà sản xuất giám sát chất lượng sản phẩm, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm; người tiêu dùng tra cứu, tìm kiếm thông tin về chất lượng sản phẩm; tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý quá trình sản xuất và lưu thông sản phẩm.
Đặc biệt, mã số, mã vạch giúp thúc đẩy thương mại và hội nhập quốc tế thông qua việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử toàn cầu; giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi, cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác thương mại; tích hợp với dữ liệu hải quan và cơ quan thuế nhằm tạo thuận lợi cho khai báo, thông quan, tính thuế; hỗ trợ kiểm soát luồng hàng xuất nhập khẩu.
(Ảnh minh họa).
Hiện nay, các nước đang tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ, trong đó có mã số, mã vạch. Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng trong bối cảnh hiện nay, vấn đề chuyển đổi số sẽ giúp mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để có thể số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử. Đồng thời, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia có thể hỗ trợ hiển thị/tham chiếu/chuyển tiếp đến các dữ liệu chỉ dẫn địa lý, dữ liệu bản đồ trực tuyến, dữ liệu atlas điện tử khi các nguồn dữ liệu này sẵn sàng.
Các hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sẽ được phép sử dụng các dữ liệu chỉ dẫn địa lý, dữ liệu bản đồ trực tuyến, dữ liệu atlas điện tử khi việc đồng bộ nêu trên sẵn sàng. Việc ứng dụng mã số, mã vạch trên nền tảng công nghệ như Blockchain, IoT, AI và các công nghệ mới khác sẽ tạo ra hệ sinh thái số, dữ liệu lớn (Big data) phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Đây là yếu tố cơ bản liên kết thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm (công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa);
Đây cũng là công cụ phục vụ nhà sản xuất giám sát chất lượng sản phẩm, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm; người tiêu dùng tra cứu, tìm kiếm thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Do đó, trong dự thảo luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Quy định này phù hợp với Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất bổ sung Điều 7b về ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa như sau: Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bao gồm mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, nhãn điện tử và các công nghệ dựa trên nền tảng mã số, mã vạch. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.../.
Thanh Thảo
Bình luận