Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ bảy, 14/09/2024 07:09
TMO - Việc tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử không chỉ mở rộng đầu ra cho sản phẩm mà còn giúp nông dân thúc đẩy doanh thu bán hàng. Do đó chính quyền và ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân bán hàng trên môi trường số và các trang mạng trực tuyến.
Cần Thơ là địa phương có đa dạng chủng loại về sản phẩm nông sản. Thời gian qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp tại thành phố đã được đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu. Bên cạnh tiêu thụ thông qua các kênh truyền thống, nhiều nông dân, HTX và doanh nghiệp đã chú trọng phát triển, đưa nông sản lên giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội, các website và sàn thương mại điện tử (TMÐT).
Theo nhiều nông dân, việc đưa các loại nông sản lên giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội và sàn TMÐT đã hỗ trợ rất nhiều cho nông dân trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, giúp sản phẩm được giới thiệu nhanh chóng đến người tiêu dùng và các đầu mối tiêu thụ. Tuy nhiên, đối với nhà nông, do còn thiếu thông tin, kiến thức và kỹ năng bán hàng trực tuyến nên việc tiêu thụ nông sản thông qua TMÐT vẫn gặp nhiều trở ngại.
Cụ thể, như thiếu các kỹ năng, máy móc, thiết bị, công nghệ để thực hiện ghi hình, tải thông tin về sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội một cách hấp dẫn, cũng như tổ chức các phiên livestream thu hút được nhiều người xem. Thực hiện các công đoạn vận chuyển, giao hàng và thanh toán tiền cũng còn gặp khó, nhất là đối với các sản phẩm nông sản dạng tươi thô cần được vận chuyển với chi phí thấp và nhanh chóng đến tay người tiêu dùng để đảm bảo chất lượng và sự tươi ngon. Hiện có không ít nông dân còn ngại đưa nông sản lên bán trên các sàn TMÐT do phải đóng một khoản phí khá lớn trên tổng doanh thu bán hàng...
Để hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch vụ logistics chưa đáp ứng và chi phí vận chuyển hàng đến nơi tiêu thụ còn cao, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã quan tâm hỗ trợ nông dân kết nối với các đơn vị vận tải và làm dịch vụ logistics. Qua đó, đưa ra các giải pháp và dịch vụ giúp nông dân có thể đưa hàng đến nơi tiêu thụ một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Các sản phẩm nông sản, OCOP của TP.Cần Thơ được người dân trong và ngoài tỉnh quan tâm. (Ảnh minh hoạ).
Song song đó, ngành Nông nghiệp thành phố cũng tăng cường hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phối hợp các viện, trường và đơn vị có liên quan để đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân, doanh nhiệp, HTX và các chủ thể sản phẩm OCOP thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các kênh TMÐT. Chú ý hướng dẫn nông dân cách tiếp cận và quảng bá sản phẩm trên những sàn TMÐT và mạng xã hội cụ thể, có tiềm năng trong tiêu thụ sản phẩm...
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ cũng đã phối hợp với một số đơn vị doanh nghiệp tổ chức hội thảo "Triển khai đào tạo về kinh doanh trực tuyến nền tảng TikTok Shop các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ". Tại sự kiện này, nông dân, doanh nghiệp, HTX và các chủ thể OCOP không chỉ được tiếp cận nhiều thông tin, kiến thức hữu ích mà còn có cơ hội gặp gỡ các đối tác để thúc đẩy liên kết hợp tác và hỗ trợ nhau trong phát triển kinh doanh trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp của Cần Thơ.
TikTok Shop là nền tảng TMÐT phù hợp cho nông dân tiêu thụ nông sản bởi nền tảng này có lượng người dùng lớn, có tiềm năng lớn trong việc quảng bá, tiêu thụ nông sản và các loại hàng hóa. Thời gian tới Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ sẽ phối hợp với Tiktok Shop nhằm đưa các sản phẩm nông sản của người dân Cần Thơ lên tiêu thụ tại mạng xã hội này. Qua các buổi bán hàng trực tuyến trên nền tảng này sẽ hỗ trợ được người dân bán được sản phẩm của mình mà giảm được phần lớn chi phí xung quanh.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ thông tin thêm, việc phát triển bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và sàn TMÐT đang là xu thế và là yêu cầu tất yếu cho phát triển. Song, để có thể phát triển kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội và sàn TMÐT đòi hỏi nông dân và các bên có liên quan phải được trang bị kịp thời các kỹ năng và kiến thức, thậm chí cần phải có các chuyên gia và những người có hiểu biết chuyên sâu, có kỹ năng về công nghệ hướng dẫn cụ thể.
Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, TP.Cần Thơ luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành có chỉ số TMÐT cao nhất nước. Ðây là kết quả quá trình nỗ lực của chính quyền và các đơn vị triển khai nhiều giải pháp và hành động tích cực phát triển TMÐT. Ðể tiếp tục nâng chỉ số phát triển TMÐT, TP.Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch với chiến lược phát triển lâu dài. Sàn TMĐT không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp người nông dân xây dựng thương hiệu nông sản cho các sản phẩm của chính mình.
Huyền Trang
Bình luận