Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ tư, 23/11/2022 02:11
TMO - Hướng đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện các ngành kinh tế, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau chuyển đổi hình thức tổ chức, quản lý, điều hành theo hướng hiện đại, áp dụng nhiều phần mềm chuyên ngành.
Cà Mau là một trong những tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL có lợi thế rất lớn về phát triển nông nghiệp – thủy sản với trên 300.000ha nuôi trồng thủy sản, 115.000ha trồng lúa và 95.000ha rừng tập trung. Trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang làm gia tăng tình trạng sạt lở ở nhiều nơi, nhất là vùng ven biển, cửa sông. Từ đó, nông nghiệp công nghệ cao đang được Cà Mau xác định là xu hướng tất yếu phải hướng tới.
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như: Ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản; ứng dụng quy trình công nghệ biofloc để nâng cao năng suất, chất lượng tôm giống; ứng dụng công nghệ tuần hoàn, semi-biofloc, nuôi 3 giai đoạn đối với các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, quy trình sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ, sinh thái, VietGAP, GlobalGAP…
Tỉnh Cà Mau đưa vào vận hành phần mềm Nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hoạt động sản xuất
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai xây dựng “Phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau” (gọi tắt là phần mềm Nông nghiệp), vận hành chính thức cuối năm 2019 và được nâng cấp năm 2020, cung cấp thông tin, dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực của ngành như: thuỷ sản, thuỷ lợi, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, trồng trọt và bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng, khuyến nông, giống nông nghiệp.
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng bản đồ số GIS trong nông nghiệp. Dự kiến thí điểm 1 xã về ứng dụng công nghệ số để số hoá dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hoá trong quy trình thu thập, xử lý báo cáo, lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, thuỷ sản, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, thuỷ lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, khuyến nông, nông thôn mới, OCOP...) góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành từ chuyển đổi số.
Mới đây, Sở NN&PTNT đã triển khai kế hoạch hành động chuyển đổi số trong hệ thống ngành tại địa phương tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, kế hoạch hướng tới mục tiêu là nâng cao hoạt động quản lý, điều hành sản xuất thông qua chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; quản lý vùng sản xuất, quy trình sản xuất; giúp theo dõi, điều hành quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả; giúp nâng cao năng lực giám sát, thích ứng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa...
Bên cạnh đó, tiếp tục thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái góp phần tạo ra giá trị mới trong sản xuất. Phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn tiệm cận với thu nhập bình quân chung của tỉnh không thể thiếu vai trò kiến tạo của cơ quan quản lý, của khoa học công nghệ mới, tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử...
Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, trong hoạt động hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Sở NN&PTNT nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi liên hệ công tác. Ứng dụng công nghệ số để số hoá dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hoá trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, thuỷ lợi, nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn, khuyến nông, nông thôn mới, OCOP, thanh tra chuyên ngành - quản lý chất lượng... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để số hoá quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và đảm bảo thông tin truy xuất được thuận tiện, minh bạch, chính xác; dần tiến đến CÐS toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc tự động phục vụ hoạt động chuyển dịch sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thu Hà
Bình luận