Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ năm, 13/10/2022 02:10
TMO - Bên cạnh việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn di sản, trong thời gian tới Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch) tiếp tục triển khai số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, quản lý nguồn tài nguyên này.
Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 875/DSVH-QLBT&TTTL về việc đăng ký nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số năm 2023 với sáu nhóm nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, Cục triển khai tổ chức và định hướng các hoạt động thông tin tuyên truyền về số hóa, kết nối, liên thông dữ liệu trong ngành di sản văn hóa đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về chuyển đổi số, số hóa của ngành Di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành Di sản văn hóa đáp ứng nhu cầu số hóa, chuyển đổi số; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, quy định pháp luật có liên quan nhằm thúc đẩy số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Tiến hành nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng tại đơn vị để đáp ứng nhu cầu sử dụng và phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả; Tham gia kế hoạch chuyển đổi IPv6 của Bộ VHTTDL. Trong năm 2023, Cục Di sản văn hóa sẽ tiếp tục triển khai nền tảng bảo tàng số.
Cục triển khai rà soát, thu thập, bổ sung để hoàn thiện hồ sơ tư liệu về các di tích, hiện vật, di sản tư liệu và di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng, ghi danh và công nhận theo quy định của quốc tế, khu vực và quốc gia để xây dựng danh sách ưu tiên các hạng mục cần số hóa. Đồng thời, xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin di sản văn hóa số trong nước.
Tăng cường hợp tác trong việc bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số về di sản văn hóa; Tăng cường sự tham gia của cộng đồn trong việc số hóa các di sản văn hóa. ứng dụng, dịch vụ, nâng cấp phần mềm tra cứu hồ sơ, tài liệu nội bộ; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý di sản tư liệu (2023 -2024). Nhóm nhiệm vụ cuối cùng về an toàn thông tin, Cục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; quản lý và giám sát an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu, bảo đảm cơ chế sao lưu, phục hồi máy chủ, máy trạm, các thiết bị đầu cuối liên quan.
Các địa phương đang từng bước hoàn thiện số hóa di sản, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, thúc đẩy phát triển du lịch. Ảnh: BTQ
Cuối năm 2021, để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Đồng thời, bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.
Chương trình đặt ra 3 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2030 là: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.
Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích các loại được kiểm kê UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể-những tài sản không chỉ của Việt Nam mà còn là của nhân loại. Bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật. Việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa đang là một thách thức. Chính vì thế, số hóa di sản là một giải pháp cách mạng trong ngành văn hóa.
Thời gian qua, một số địa phương đã áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản. Cụ thể, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số, Scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage...
Ngoài ra, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh đã tổ chức các cuộc triển lãm 3D, giới thiệu không gian, tham quan bảo tàng và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hìnhảnh 360 độ trực tuyến trên web. Thư viện Tổng hợp tỉnh đã thực hiện Scan, số hóa các tài liệu hán nôm được sưu tầm với hơn 400.000 trang tài liệu có giá trị, tương ứng với khoảng 4.980 đầu tài liệu các loại tại 187 làng, 923 họ tộc, 18 phủ đệ và tư gia trên địa bàn tỉnh.
Để việc số hóa di sản thật sự có ý nghĩa, ngoài việc lưu giữ để bảo tồn thì vấn dề song hành là phải phát huy giá trị di sản. Đó là xây dựng hệ thống tương tác trên thiết bị thông minh, ứng dụng QR Code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, trải nghiệm đa phương tiện... phục vụ khách tham quan trải nghiệm, khám phá về di tích một cách tiện lợi, thoải mái nhất ngay trên điện thoại thông minh.
Hoàng Hà
Bình luận