Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ ba, 28/02/2023 04:02
TMO - Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững, tỉnh Lào Cai chú trọng triển khai hiệu quả nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản, qua đó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, động thực vật thủy sinh.
Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới, có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, với trên 18.000ha mặt nước trong đó có khoảng 2.200 ao, hồ nhỏ, 75.000m3 thể tích nuôi cá nước lạnh, 1.100ha hồ chứa và hàng trăm ha ruộng canh tác hiệu quả thấp có thể chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang đối diện với một số thách thức về môi trường, dịch bệnh, nguồn nước ngày càng suy giảm về số lượng, chất lượng, ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, công nghiệp dẫn đến thủy sản thường xuyên đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, mục tiêu đặt ra của tỉnh là diện tích nuôi ao hồ nhỏ đạt 2.400 ha, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 76.000 m3, thể tích nuôi cá lồng đạt 17.000 m3. Tổng sản lượng thủy sản đạt 13.500 tấn (sản lượng thủy sản truyền thống và các loài có giá trị kinh tế cao đạt 12.550 tấn, sản lượng cá nước lạnh đạt 950 tấn). Tỷ lệ giống có giá trị kinh tế cao, giống bản địa chiếm 70% cơ cấu giống nuôi. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 10% sản lượng thủy sản.
Giai đoạn 2026 - 2030 nâng diện tích nuôi ao hồ nhỏ đạt 2.650 ha, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 95.000 m3, thể tích nuôi cá lồng đạt 18.000 m3. Tổng sản lượng thủy sản đạt 16.500 tấn (sản lượng thủy sản truyền thống và các loài có giá trị kinh tế cao đạt 15.150 tấn, sản lượng cá nước lạnh đạt 1.350 tấn). Giống có giá trị kinh tế cao, giống bản địa chiếm 75% cơ cấu giống nuôi. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 20% sản lượng thủy sản.
Cá tầm là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉnh Lào Cai nhận định, nếu công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản nếu được thường xuyên sẽ giúp thông tin, dự báo kịp thời diễn biến môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, mùa vụ nuôi từ đó giúp người dân chủ động trong công tác quản lý nguồn nước, phòng tránh dịch bệnh hiệu quả. Vì vậy, việc quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản của tỉnh được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Trong năm 2023, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đánh giá hiện trạng môi trường thông qua hệ thống quan trắc, kiểm soát mức độ ô nhiễm tại các vùng nuôi để kịp thời khuyến cáo với người dân; Đảm bảo vùng nuôi các đối tượng chủ lực như (cá hồi, cá tầm), đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính), nuôi lồng bè được quan trắc và cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường.
Đặc biệt, kết quả quan trắc và cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản phải được chuyển tải nhanh nhất đến đến các cơ quan quản lý, người nuôi và các tổ chức, cá nhân liên quan; cung cấp được cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thống nhất; cơ sở dữ liệu thông tin về quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản được hệ thống hóa.
Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh thực hiện quan trắc tại vùng nuôi thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm) với 2 điểm tại phường Ô Quy Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa. Bên cạnh đó, quan trắc vùng nuôi cá truyền thống, loài có giá trị kinh tế cao tại 4 điểm nuôi: Huyện Bảo Thắng quan trắc vùng nuôi thủy sản trong ao hồ nhỏ 2 điểm tại xã Phú Nhuận và thị xã Phong Hải; huyện Bát Xát quan trắc vùng nuôi thủy sản trong ao hồ nhỏ tại 1 điểm ở xã Quang Kim; huyện Bắc Hà quan trắc vùng nuôi thủy sản trong lồng bè trên hồ thủy điện tại 1 điểm thuộc xã Cốc Ly. Kết quả quan trắc giúp người nuôi nắm được hiện trạng môi trường để có biện pháp quản lý chất lượng nguồn nước phù hợp bảo vệ môi trường, thúc đẩy đầu tư thâm canh sản xuất hàng hóa.
Tỉnh Lào Cai thực hiện quan trắc môi trường trên vùng nuôi cá truyền thống.
Tần suất quan trắc được quy định như sau: Đối với các yếu tố nhiệt độ, pH, độ kiềm, virut, nấm và các tác nhân gây bệnh cho thủy sản thực hiện quan trắc định kỳ từ 1-2 lần/tháng để theo dõi, đánh giá quy luật, diễn biến, biến động các chỉ tiêu phục vụ xây dựng cơ cấu giống, thời vụ hằng năm và phòng ngừa dịch bệnh. Đối với kim loại nặng, thuốc BVTV thực hiện quan trắc 3-4 lần/năm; Ngoài ta thực hiện quan trắc đột xuất khi có diễn biến bất thường của thời tiết, khu vực nuôi có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí để thực hiện Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh theo đúng các quy định hiện hành. Phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi trồng thủy sản tại các khu vực được quan trắc và trên toàn địa bàn tỉnh biết, chủ động ứng phó và tổ chức thực hiện các hoạt động thủy sản đạt hiệu quả. Chỉ đạo các cơ sơ sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tham gia giám sát chất lượng nguồn nước tại cơ sở mình; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản trong quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường nuôi...
Sở Tài nguyên và Môi trường Phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát, thẩm định chi tiết thông số, tần suất, địa điểm và thời gian thực hiện, tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt thuộc nhiệm vụ hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường; cung cấp thông tin, kết quả quan trắc môi trường có liên quan.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở NN&PTNT Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các cơ quan liên quan và đơn vị quan trắc môi trường triển khai, thực hiện các nội dung kế hoạch quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Tiến hành cảnh báo và giám sát môi trường các khu vực thực hiện quan trắc, thông báo cho người dân trên địa bàn chủ động ứng phó, làm cơ sở để triển khai các biện pháp quản lý các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi trồng thủy sản.
Trần Hoàng
Bình luận