Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ năm, 16/05/2024 08:05
TMO - Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) của tỉnh Bến Tre tập trung trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Với việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, tôm…được nâng cao giá trị.
Theo đó, để phát huy thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bến Tre đã tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo dựng môi trường, hệ sinh thái nông nghiệp số và chuyển đổi số toàn diện. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2024, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương được tỉnh Bến Tre quan tâm thực hiện.
Về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cấp quốc gia triển khai tại địa phương, tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận chuyển giao quy trình sản xuất cây giống bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Bên cạnh đó tiếp nhận chuyển giao và xây dựng các mô hình và quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò cái sinh sản, bò thịt, bò lai, bò vỗ béo; mô hình trồng, thu hoạch và bảo quản cỏ cho bò từ Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi.
Không chỉ vậy, tỉnh còn xây dựng quy trình công nghệ chế tạo màng Cellulose từ nước quả dừa khô dùng trong bao gói thực phẩm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng cho ngành chế biến dừa. Nghiên cứu tạo ra chế phẩm sinh học cải tạo và xử lý đất bị nhiễm mặn nhằm phục hồi cây sầu riêng và cây ăn quả bị ảnh hưởng của nước mặn do biến đổi khí hậu gây nên.
Trong giai đoạn 2016 – 2024, Sở KH&CN Bến Tre đã phối hợp với các đơn vị thực hiện 69 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cơ sở; trong đó có 4 nhiệm vụ liên quan đến khoa học nông nghiệp, phát triển thương hiệu và sở hữu trí tuệ cho các nông sản chủ lực của tỉnh, 92 nhiệm vụ tập trung phát triển quy trình công nghệ chế biến, xử lý và bảo quản nông sản, qua đó đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, Sở KH&CN đã nghiên cứu tạo ra chế phẩm sinh học cải tạo và xử lý đất bị nhiễm mặn nhằm phục hồi cây sầu riêng và cây ăn quả bị ảnh hưởng của nước mặn do biến đổi khí hậu; điều tra, nghiên cứu xác định được thành phần nhóm loài rầy xanh gây hại trên cây sầu riêng tại tỉnh. Bên cạnh đó còn nghiên cứu, xác định nguyên nhân thối hoa, rụng quả non cây chôm chôm và biện pháp phòng chống có hiệu quả tại tỉnh, từ đó đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp phòng chống an toàn, hiệu quả tại tỉnh phù hợp với quy trình chỉ dẫn địa lý.
Nghiên cứu quy trình sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu đục thân trên cây xoài; bảo tồn và phân tích nguồn gen cây sầu riêng tỉnh. Xây dựng mô hình quản lý dinh dưỡng khoáng bền vững cho cây bưởi da xanh tại tỉnh. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc quản lý, giám sát và tối ưu quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nhựa lót bạt 3 giai đoạn …
Nuôi tôm công nghệ cao được đẩy mạnh triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ứng dụng KHCN đã thực sự mang lại hiệu quả cho bà con nông dân Bến Tre. Gắn bó và làm giàu nhờ nuôi tôm công nghệ cao, nhiều nông dân tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú đã đẩy mạnh triển khai mô hình này. Ưu điểm của mô hình mới là có thể kiểm soát được môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, năng suất tôm thu hoạch cao gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Khả năng thành công trên 90%, một năm có thể nuôi 2-3 vụ. Tuy nhiên, cần chia tôm theo từng giai đoạn nuôi để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm mau lớn, tránh dịch bệnh. Đa số người nuôi tôm hiện nay ứng dụng công nghệ cao chia thành 2-3 giai đoạn nuôi như ươm giống, tôm nhỏ, tôm lớn… để giúp tôm đạt hiệu quả.
Giai đoạn 2026 - 2035, tỉnh Bến Tre đặt ra mục tiêu nghiên cứu phát triển 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển) theo chuỗi giá trị bền vững, đặc biệt nghiên cứu đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng bền vững đối với 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu này, lãnh đaọ UBND tỉnh Bến Tre cho rằng để thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, tỉnh cần xây dựng, tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn nhằm ứng dụng, chuyển giao KHCN hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương. Tăng cường phối hợp với các viện, trường đại học, DN để nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong nông nghiệp, Sở NN&PTNT Bến Tre đã xây dựng kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc chuyển đổi số ngành NN&PTNT để triển khai thực hiện những hành động thiết thực.
Hoàng Quân
Bình luận