Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ ba, 12/12/2023 07:12
TMO - Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Hiện nay, tỉnh Long An đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả khả quan. Trong đó, các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nước, phân bón... để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát dịch, bệnh trong sản xuất.
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả nhất định. Sở NN&PTNT duy trì triển khai ứng dụng công nghệ số (blockchain, mã QR) trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Đến nay, Sở đã hỗ trợ 2.061.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 17 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 87 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 30 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 57 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên sàn thương mại điện tử Kết nối cung cầu nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh https://nongsanantoanlongan.vn. Đến nay, ngành đã hướng dẫn 800 cơ sở tạo tài khoản trên hệ thống; có trên 350 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng tải sản phẩm trên hệ thống phục vụ người dân. Ngoài ra, ngành còn hỗ trợ cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng tải thông tin “Đăng ký mua - bán nông sản, hàng hóa” trên trang web https://htx.cooplink.com.vn.
Đồng thời, ngành cũng đôn đốc các doanh nghiệp quản lý sàn giao dịch điện tử https://postmart.vn, https://voso.vn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 66.426 tổ chức, cá nhân bán hàng trên 2 sàn này, với 8.385 sản phẩm được đăng ký bán. Ngoài ra, có 180 gian hàng với 478 sản phẩm được trưng bày trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh longantrade.com.
Ngành Nông nghiệp tỉnh ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser; ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật, sạ lúa...
Cùng với những kết quả trên, thời gian qua Sở NN&PTNT Long An thực hiện mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa và cách sử dụng phần mềm Rynan Mekong để truy cập thông tin về quan trắc (độ mặn, nhiệt độ, pH, mực nước,...), giám sát sâu, rầy, giá cả thị trường các nông sản,... Đồng thời, ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser; ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật, sạ lúa.
Đặc biệt, triển khai ứng dụng điện thoại thông minh Agritask - ứng dụng nhật ký cánh đồng trên cây lúa. Ứng dụng giúp phân tích dữ liệu về cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây, trong dự báo tình hình sâu, bệnh, dịch hại, năng suất và hiệu quả. Đẩy mạnh giám sát, dự tính, dự báo sâu, rầy qua việc lắp đặt một hệ thống giám sát sâu, rầy thông minh; hệ thống cập nhật số liệu và theo dõi mức độ côn trùng, đặc biệt là rầy nâu.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã thực hiện mô hình trình diễn Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0, sử dụng smartphone trong quản lý các nguồn thiết bị điện (máy quạt, máy sục khí, máy cho ăn) trong ao nuôi tôm tại huyện Cần Đước và Tân Trụ. Ứng dụng công nghệ số để thực hiện quan trắc tự động, theo dõi, giám sát tự động mực nước, độ mặn.
Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh duy trì thực hiện theo dõi quản lý 35 trạm đo mực nước tự động và 13 trạm đo mặn tự động trên các tuyến sông, kênh chính, các kênh thuộc hệ thống khu tưới Đức Hòa - dự án thủy lợi Phước Hòa để phục vụ công tác giám sát, dự báo tình hình mực nước độ mặn, phục vụ công tác quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Trước những kết quả thu được từ việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh tiếp tục triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; triển khai ứng dụng công nghệ trong canh tác và sản xuất trên cây lúa, con tôm, cây thanh long, cây rau;...
Đặc biệt, Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về CĐS cho đội ngũ công chức, viên chức, người dân; khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Tỉnh Long An phấn đấu có ít nhất 70% số xã có các hợp tác xã, 70% số đơn vị cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% số đơn vị cấp huyện có các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.
Thời gian qua, khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tạo 3 trục sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ… Bên cạnh đó, việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa công tác thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp.
Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp được đẩy mạnh, tiêu biểu như hình thành hệ thống các cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê phân tích, dự báo, giúp công tác quản lý ngành ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng.
Hoài Thu
Bình luận