Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ sáu, 30/06/2023 07:06
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những hướng dẫn đối với các tỉnh, thành phố về việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù.
Cụ thể, Bộ TN&MT đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng về việc hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù.
Trên cơ sở ý kiến của các Bộ ngành, địa phương, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ về cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với các dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ thêm về thủ tục đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác:
Theo đó, về thủ tục xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản: Các nghị quyết của Quốc hội đã cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án (thời gian áp dụng cho từng dự án căn cứ từng nghị quyết của Quốc hội), các nghị quyết của Chính phủ đã hướng dẫn thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Như vậy, trình tự, thủ tục khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án được thực hiện tương tự như đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình.
Nhà thầu thi công Dự án chỉ lập Hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (sau đây gọi là hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác) theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP nêu trên; cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản (theo hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Công văn số 1411/BTNMT-ĐCKS ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố thực hiện xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản (sau đây gọi là Bản xác nhận khối lượng khai thác) trong Hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho nhà thầu thi công Dự án. Thành phần, trình tự thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP nêu trên (theo hướng dẫn tại Phụ lục II kèm theo Công văn số 1411/BTNMT-ĐCKS nêu trên).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những hướng dẫn đối với các tỉnh, thành phố về việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các Dự án đường bộ cao tốc.
Đối với công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản: Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, trong đó, các nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định của luật Khoáng sản nên không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chỉ thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1411/BTNMT-ĐCKS nêu trên.
Đối với các mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở các đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông; tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trong đó có Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông.
Đối với các mỏ đã được khảo sát, thăm dò xác định chất lượng, trữ lượng trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các thủ tục xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản trong hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho nhà thầu thi công Dự án.
Trường hợp trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án chưa có số liệu về tài nguyên, trữ lượng thì chỉ đạo việc thực hiện khảo sát nhanh mà không phải thực hiện các thủ tục cấp phép thăm dò khoáng sản (không quy định mức độ xác định cấp tài nguyên, trữ lượng). Địa phương cân nhắc mức độ khảo sát, đánh giá để có số liệu lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác. Kết quả khảo sát sẽ được sử dụng để lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác. Việc khảo sát nhanh có thể tham khảo một số bước cần thiết theo Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT ngày 13 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về công tác thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp.
Xác định kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản: Do các Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nên việc tính, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp không bắt buộc tiến hành thăm dò quy định tại Điều 65 Luật Khoáng sản hoặc trường hợp không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐCP ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Các loại thuế, phí khác thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, phí và pháp luật khác có liên quan.
UBND cấp tỉnh căn cứ khối lượng khoáng sản theo Hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác (được xác định tại mục 3), tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản làm cơ sở xác định các nghĩa vụ tài chính liên quan để yêu cầu nhà thầu thực hiện. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chính thức được tính theo sản lượng khai thác thực tế và thu theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP nêu trên.
Liên quan đến việc xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản do nhà nước đầu tư (trong đó có đơn giá tính chi phí hoàn trả) được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ; Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư; Thông tư số 23/2018/TT-BTNMT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về tổ chức xác định, thẩm định và phê duyệt kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư.
Trường hợp chi phí thăm dò khoáng sản do các tổ chức, cá nhân khác đã đầu tư, theo đó, việc hoàn trả được thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP nêu trên. Cụ thể, được thực hiện với nguyên tắc “tự thỏa thuận” theo pháp luật về dân sự. Trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép quyết định chi phí đã đầu tư phải hoàn trả theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.
Về thu hồi, sử dụng đất, đối với các khu mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc các hạng mục của Dự án được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Đất đai, các địa phương tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật.
Các khu mỏ đất không thuộc các hạng mục của Dự án được phê duyệt theo quy định, sẽ thuộc trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai. Do đó, Chủ đầu tư thực hiện sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai.
Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo về iệc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau dài 2.063 km. Việc triển khai thi công tuyến cao tốc này được chia thành nhiều dự án tương ứng với các giai đoạn khác nhau.
Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) dài hơn 650 km gồm 11 dự án thành phần đã thông xe 6 đoạn tuyến gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm. Dự kiến ngày 2-9 sẽ thông xe đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km. Ngày 31-12, hoàn thành dự án cầu Mỹ Thuận 2. Trong năm 2024, 2 dự án thành phần còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được đưa vào vận hành.
Khi giai đoạn 1 của dự án đang chạy nước rút thì đầu năm 2023, đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) được khởi công. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 có tổng chiều dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị; Quảng Ngãi - Nha Trang; Cần Thơ - Cà Mau. Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành công điện số 573/CĐ-TTg về việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, Thủ tướng yêu cầu, các Bộ trưởng GTVT, TN&MT, Xây dựng, NN&PTNT và Chủ tịch UBND các tỉnh thành có dự án đi qua thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
Chủ tịch UBND các tỉnh thành có dự án đi qua và có mỏ vật liệu khẩn trương kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác khai thác mỏ mới và nâng công suất các mỏ vật liệu xây dựng thông thường đang khai thác phục vụ dự án. Đồng thời, không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện, thủ tục hành chính gây khó khăn vướng mắc cho các nhà thầu, chủ đầu tư.
Khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công. Đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá.
Hải Nam
Bình luận