Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 00:11
Chủ nhật, 02/10/2022 12:10
TMO - Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ đã đạt trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000 ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000 ha.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất lúa hữu cơ, nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ nhưng khu chế biến chưa đạt tiêu chuẩn nên vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60%, nên kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước phải cùng vào cuộc, quy định rõ vùng nguyên liệu tại đâu được hưởng chính sách nào. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất xây dựng nhà máy; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn "mua nguyên liệu giá hữu cơ, bán sản phẩm giá thường" như hiện nay.
Sản xuất lúa hữu cơ giúp tăng năng suất, chất lượng và giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Theo giới chuyên gia, thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: Sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỉ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng. Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất bảo đảm nguyên tắc 6 không: Không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gien; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước.
Giới chuyên gia cho rằng, các sản phẩm sinh thái được thiên nhiên ban tặng là thế mạnh của Việt Nam. Như vậy, điều quan trọng là cần chế biến thế nào để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để phát triển nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, cần tăng cường năng lực, tư duy cho chính quyền địa phương, chuyển đổi tư duy từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ; cần quy hoạch với sự tham gia của các nhà khoa học (xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, mạng lưới thủy văn, thảm thực vật) để quy hoạch trồng trọt; cần số liệu điều tra từ địa phương để phân loại các loại cây trồng phù hợp.
Giới chuyên gia cũng chỉ ra một trong những hạn chế lớn và ít được chú ý trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không khống chế được sâu bệnh do chi phí sử dụng thuốc trừ sâu sinh học rất cao. Do đó, cần tích cực nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc trừ sâu dùng trong canh tác hữu cơ có giá thành rẻ và phù hợp với điều kiện sản xuất tại Việt Nam. Thuốc trừ sâu sinh học là chế phẩm có nguồn gốc sinh học như nấm, vi khuẩn, chiết xuất chất độc từ nấm, virus. Và là yếu tố chính làm cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ.
Về tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, một số nghiên cứu chỉ ra đây là một xu thế tiêu dùng tất yếu. Trước tiên với sự phát triển của Việt Nam, sự gia tăng dân số nhanh chóng với nhóm tuổi từ 15 đến 40 ngày càng mở rộng (khoảng 40 triệu người) đang ngày càng nhạy cảm với các sản phẩm tốt cho sức khỏe và sẵn sàng chi tiêu để có được những sản phẩm này. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 25 triệu người vào năm 2025, chiếm 25% dân số. Tầng lớp này có thể hiểu, và cảm thấy việc tiêu thụ những sản phẩm hữu cơ để sử dụng hàng ngày là một nhu cầu quan trọng. Với sự thay đổi của hành vi người tiêu dùng thế giới, người nông dân Việt Nam cần tập trung sản xuất tốt, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ phù hợp với nhu cầu của người dân trong nước và quốc tế.
Quốc Dũng
Bình luận