Hotline: 0941068156
Thứ ba, 08/07/2025 18:07
Thứ ba, 08/07/2025 14:07
TMO - OCOP đã tạo ra sức lan tỏa lớn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy tri thức bản địa. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn gặp khó do thiếu vùng nguyên liệu ổn định, khó tiếp cận tín dụng, hạn chế công nghệ và chưa đạt chuẩn quốc tế.
Tại cuộc họp cho ý kiến về sửa đổi Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá sản phẩm OCOP vừa diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã bước sang giai đoạn mới, không thể dừng lại ở quy mô địa phương, mà cần phát triển thành thương hiệu quốc gia được bảo vệ, quảng bá bằng chính sách phù hợp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VP
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, mỗi sản phẩm OCOP phải kể được một câu chuyện riêng gắn với văn hóa, lịch sử, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Dù do hộ cá thể, hợp tác xã hay cộng đồng sản xuất, nếu đạt chuẩn quốc gia thì phải được Nhà nước bảo vệ thương hiệu và hỗ trợ phát triển ra thị trường quốc tế, do đó, cần có sự thống nhất trong xây dựng thương hiệu quốc gia cho OCOP để khi bước ra khỏi biên giới Việt Nam, đó là hàng hóa quốc gia.
Từ khi triển khai, OCOP đã góp phần nâng cao chất lượng sản xuất và thương mại hóa nông sản, giúp sản phẩm Việt tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khung pháp lý vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là về bảo hộ sở hữu trí tuệ, chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, OCOP đã tạo ra sức lan tỏa lớn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy tri thức bản địa. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn gặp khó do thiếu vùng nguyên liệu ổn định, khó tiếp cận tín dụng, hạn chế công nghệ và chưa đạt chuẩn quốc tế. Một số hệ thống siêu thị nước ngoài đánh giá cao sản phẩm OCOP nhưng vẫn e ngại về khả năng cung ứng. Vì vậy, chương trình sẽ chuyển hướng từ số lượng sang chất lượng, tăng tính đặc thù, giá trị văn hóa và khả năng cạnh tranh.
OCOP - một trong những mô hình thiết thực, hiểu quả trong phát triển kinh tế nông thôn. Ảnh minh họa.
Theo định hướng, OCOP sẽ được phát triển thành thương hiệu quốc gia, có hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách hỗ trợ quảng bá và mở rộng thị trường. Các sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn rõ ràng, có chỉ dẫn địa lý, áp dụng công nghệ số và thương mại điện tử. Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị sửa đổi Quyết định 148, chuyển thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao lên cấp tỉnh. Lý do là đánh giá 3 sao mang tính chuyên môn cao, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nên cần đảm bảo tính khách quan, đồng bộ và chuyên nghiệp.
Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất chủ trương sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên nên do cấp tỉnh đánh giá trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo “phải có tổ chức uy tín thẩm định thì mới nâng được giá trị thương hiệu”. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Quyết định 148 trình Thủ tướng ban hành, tránh để xảy ra khoảng trống chính sách khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng chương trình OCOP bài bản, có tầm nhìn dài hạn, hội tụ đủ yếu tố chất lượng cao, an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng, quy mô thị trường, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, chuyển đổi số và thương mại điện tử với mục tiêu cuối cùng là xây dựng hàng nghìn sản phẩm Việt Nam đặc thù, khác biệt, đạt chuẩn quốc tế và chinh phục thị trường toàn cầu…/.
THIÊN LÝ
Bình luận