Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/07/2025 17:07
Thứ tư, 09/07/2025 10:07
TMO - Dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giảm ô nhiễm không khí trong suốt nhiều năm qua, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng và ô nhiễm không khí vẫn đang là vấn đề, là thách thức không nhỏ đối với các địa phương, nhất là trong giai đoạn phát triển mới.
Tại Hội nghị tham vấn kế hoạch hành động kiểm soát ô nhiễm không khí giai đoạn 2025-2030 vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng tại các thành phố lớn đang là thách thức rất lớn. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải có giải pháp đồng bộ, căn cơ để giải quyết vấn đề này, nhất là trong các cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, trên thực tế, dù các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí. Nhưng, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.
Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì nhiều hoạt động phối hợp như hội thảo với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, UBND TP. Hà Nội, và gần đây là hội thảo tại Nhà Quốc hội vào tháng 4 vừa qua để bàn giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn. Trước đây, Chính phủ giao Bộ xây dựng đề án khắc phục ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên, trên cơ sở đề xuất của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, định hướng được điều chỉnh sang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia, nhằm bảo đảm tinh thần phân cấp, phân quyền: địa phương quyết định và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, Trung ương xây dựng khung định hướng và hỗ trợ kỹ thuật, thể chế.
Đốt phụ phẩn nông nghiệp sau thu hoạch - một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm không khí.
Trong quá trình xây dựng dự thảo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ ngành, tổ chức quốc tế, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về các nội dung trọng tâm. Dự thảo kế hoạch đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn trong nước, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành và chuyên gia. Trong đó, trọng tâm là dự báo các áp lực môi trường trong giai đoạn 5-10 năm tới để xác định các nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt kiềm chế gia tăng ô nhiễm.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường, nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ hai con số trở lên. Bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy, giai đoạn chuyển từ quốc gia đang phát triển lên phát triển cũng chính là thời kỳ chịu áp lực môi trường lớn nhất, khi tốc độ phát thải thường cao gấp 1,5 lần so với tăng trưởng GDP. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả ngay từ bây giờ, chi phí xử lý hậu quả về sau sẽ vô cùng tốn kém.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu 3 nhóm nội dung chính cần thảo luận, góp ý về Kế hoạch hành động kiểm soát ô nhiễm không khí giai đoạn 2025-2030. Cụ thể: Về đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong dự thảo kế hoạch, cần xem xét tính chính xác, đầy đủ của các nhận định, xác định đâu là nguyên nhân chính, đâu là thứ yếu để có cơ sở xây dựng giải pháp phù hợp. Một số nguyên nhân được đề cập gồm: khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt phụ phẩm nông nghiệp, và hoạt động của các khu công nghiệp.
Về giải pháp, các nhóm giải pháp kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí cần làm rõ tính khả thi, hiệu quả, căn cơ của các giải pháp đã đề xuất, từ công trình đến phi công trình, từ cơ chế chính sách đến tuyên truyền, giáo dục.
Về phân công thực hiện, ai sẽ làm, khi nào làm, làm bằng nguồn lực nào? Đây là nội dung đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tinh thần chỉ đạo hiện nay là địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Theo đó, Trung ương giữ vai trò thiết kế chiến lược, xây dựng thể chế, đầu tư hệ thống quan trắc, dự báo, cơ sở dữ liệu để làm căn cứ quản lý, còn chính quyền các cấp tại địa phương sẽ triển khai trực tiếp. Đơn cử, việc kiểm soát khí thải giao thông, muốn kiểm soát được phải có hệ thống đăng kiểm, quy chuẩn, phương tiện đo kiểm đạt chuẩn. Hay như chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, cần có chính sách hỗ trợ, lộ trình rõ ràng, từ hạn chế xe xăng tới khuyến khích sử dụng xe điện…/.
PHẠM DUNG
Bình luận