Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Thứ ba, 19/09/2023 13:09
TMO - Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với những nông sản chủ lực, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu tới rộng rãi các thị trường.
Bắc Giang có 8 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực được UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm các sản phẩm: Lợn, gà, cá, lúa, vải thiều, cam, rau các loại và lạc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phê duyệt danh mục 14 sản phẩm đặc trưng và 30 sản phẩm tiềm năng, như: Chè, na, bưởi; mỳ gạo, nhãn... với tổng sản lượng hàng trăm nghìn tấn/năm.
Theo thống kê, sản lượng nông sản chủ lực của Bắc Giang xuất khẩu ngày càng tăng. Năm 2022, các sản phẩm chính, như: Vải thiều, mỳ gạo Chũ, gạo thơm Yên Dũng, rau, củ quả đóng hộp… đạt hơn 100 nghìn tấn, riêng vải thiều tươi đạt 75,5 nghìn tấn. Trong đó, thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đạt hơn 100 tấn, tăng gấp đôi so với vụ trước. Cùng với tăng sản lượng, đến nay, vải thiều Bắc Giang đã đến với 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, được các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU… ưa chuộng. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu vải thiều đạt 116 triệu USD; rau, củ, quả các loại đạt 10 triệu USD.
Lục Ngạn là địa phương có thế mạnh về trồng trọt và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Địa phương này hiện có diện tích cây ăn quả lớn nhất của cả tỉnh với 28.000 ha, trong đó vải thiều là 17.357ha, các cây có múi trên 5.000 ha và các loại cây trồng khác. Huyện đang có 84 mã số vùng trồng và 173 mã số đóng gói. Đến thời điểm này, toàn huyện có 75% diện tích cây ăn quả đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP, hữu cơ. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên trong sản xuất các sản phẩm OCOP toàn huyện có 37 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và đang trình duyệt 2 sản phẩm vải thiều, mỳ chũ là sản phẩm OCOP đạt 5 sao...
Vải thiều Bắc Giang trên các kệ hàng tại trung tâm thương mại ở Thái Lan.
Năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt trên 201.600 tấn, tăng trên 21.600 tấn so với kế hoạch. Giá trị doanh thu từ vải thiều và từ các dịch vụ phụ trợ ước đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.658 tỷ đồng, tăng hơn 247 tỷ đồng so với năm 2022; doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỷ đồng.
Vải thiều của tỉnh được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh ước đạt khoảng gần 111.200 tấn, chiếm trên 55,1% so với tổng sản lượng tiêu thụ. Sản lượng tiêu thụ nội địa ước đạt gần 90.500 tấn, chiếm khoảng gần 44,9 %. Sản lượng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, với tỷ trọng trong cơ cấu thị trường xuất khẩu chiếm trên 98% tổng sản lượng xuất khẩu; còn lại được xuất khẩu sang các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU, Thái Lan, UAE, Qatar và một số nước khu vực Trung Đông và khu vực Đông Nam Á…Các thị trường xuất khẩu tiếp tục được giữ vững ổn định (với trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ); thị trường truyền thống Trung Quốc tiếp tục được giữ vững, đóng vai trò trụ cột và tạo động lực lan tỏa xuất khẩu sang các thị trường khác.
Để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa chủ lực, tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch, phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, như: Vùng vải thiều gần 30 nghìn ha; vùng lúa chất lượng cao 45 nghìn ha; vùng rau chế biến, rau an toàn hơn 12,6 nghìn ha; 21 vùng chăn nuôi lợn; 33 vùng chăn nuôi gà,… Toàn tỉnh xây dựng được 205 sản phẩm OCOP, trong đó có một số sản phẩm chủ lực có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu như: Vải thiều, mỳ Chũ, nhãn, rau chế biến...
Bên cạnh đó, địa phương này đã bảo đảm quỹ đất cho phát triển các nông sản chủ lực của tỉnh bền vững, tháng 1/2023, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kết quả “Rà soát, cập nhật, chỉnh sửa bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Tỉnh xác định cụ thể các vùng sản xuất tập trung cho các sản phẩm: Lúa, rau, lạc, cây ăn quả, cây dược liệu, hoa, cây cảnh và các vùng chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Đồng thời “số hóa” bản đồ các vùng chuyên canh này và giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố thực hiện.
Cùng với sản xuất, chế biến, để nông sản của Bắc Giang xuất khẩu thuận lợi, nâng cao giá trị, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 13-15%/năm. Cùng với sản phẩm công nghiệp, tỉnh chú trọng nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh; phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản chế biến sâu.
Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh xây dựng, nâng cao chất lượng các vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến nông sản trên địa bàn. Ảnh: BBG.
Đến năm 2030, ưu tiên thu hút dự án sản xuất, chế biến nông sản hướng đến xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu như: Vùng chế biến rau xuất khẩu (Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang và Hiệp Hòa); vùng chế biến quả xuất khẩu (Lục Ngạn, Lục Nam); chế biến gỗ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu (Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế); các dự án giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm (Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, TP Bắc Giang)...
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. Đưa khoa học công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt; ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất… để đưa sản phẩm xuất khẩu.
Địa phương này chú trọng đến việc đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Trong đó, thị trường ASEAN: Là thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025 với sự ra đời của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mức độ mở cửa theo cam kết của các nước ASEAN rất lớn, do vậy cần duy trì và phát triển đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản sang các nước và các thị trường còn nhiều tiềm năng xuất khẩu;
Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của tỉnh, do đó cần tiếp tục tận dụng tối đa các ưu đãi từ các Hiệp định FTA đa phương và song phương để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc các sản phẩm từ gỗ; hàng nông sản…; Đối với thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông: Là thị trường lớn, truyền thống, có tỷ trọng cao. Do đó tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, giảm dần nhập siêu. Xóa bỏ tư duy thị trường Trung Quốc là thị trường “dễ tính” để tập trung đến những sản phẩm hàng hóa chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu.
Đối với khu vực châu Âu: Chủ yếu là thị trường EU, Nga là những thị trường lớn, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á- Âu là cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, do vậy cần duy trì vững chắc và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường này. Tuy nhiên, đây là thị trường có quy định luật pháp chặt chẽ, nghiêm ngặt, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu phải có chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với khu vực châu Mỹ: Trọng tâm là thị trường Mỹ, Canada, Chilê, Mexico, Peru, nhất là thị trường Mỹ, đây là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới hàng năm. Bên cạnh đó cần tiếp tục củng cố và mở rộng xuất khẩu tại các thị trường trên để tận dụng có hiệu quả lộ trình cắt giảm thuế theo tinh thần Hiệp định CPTPP mà một số nước tham gia như: Canada, Chilê, Mexico, Peru; Đối với khu vực châu Đại Dương: Thị trường chủ yếu là Australia và New Zealand là những nước có ký kết các Hiệp định FTA với ASEAN mà Việt Nam là một thành viên, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Bắc Giang sẽ được ưu đãi về thuế quan, do đó cần tận dụng các ưu đãi này để đẩy mạnh xuất khẩu. Tập trung sản phẩm hàng nông sản có lợi thế như vải thiều, rau quả chế biến.
Tăng cường cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước, thông tin về cơ chế chính sách xuất khẩu, nhập khẩu của các nước, cơ chế chính sách mới của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu đến cộng đồng doanh nghiệp dưới nhiều hình thức như hội nghị, hội thảo, tập huấn, cổng thông tin điện tử của Sở, nhóm Zalo hỗ trợ doanh nghiệp, … để doanh nghiệp có kế hoạch chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với từng thị trường; Thường xuyên phối hợp tuyên truyền về các cảnh báo SPS; tuyên truyền về phòng vệ thương mại, các rào cản, chính sách thuế quan của các thị trường; các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm hàng hoá xuất nhập khẩu; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong công tác phòng vệ thương mại.
Phương Mai
Bình luận