Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 11:01
Thứ hai, 15/07/2024 07:07
TMO - Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hình thức quảng bá, giới thiệu nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với đông đảo người tiêu dùng trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu.
Điện Biên là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, tỉnh sở hữu nhiều sản phẩm đặc sản nổi tiếng: Lúa gạo, chè, cà phê, mắc ca, dứa, mật ong, miến dong… Xác định được những lợi thế của riêng mình, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai Chương trình " Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và coi đây là một giải pháp quan trọng trong việc thực hiện phát triển nông nghiệp, cũng như phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Điện Biên triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” từ năm 2018 và đến nay đã có một số sản phẩm OCOP đạt tiêu chí 3 sao, 4 sao. Chương trình OCOP đã phát huy nội lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh trong việc chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất, kết nối, hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 72 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 3 sản phẩm đủ điều kiện chứng nhận 4 sao và 67 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao). Sản phẩm OCOP của Điện Biên chủ yếu mặt hàng nông sản và không ít sản phẩm tạo được ấn tượng tốt với người tiêu dùng như gạo séng cù, chè, cà phê, thịt khô...
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và tăng cường quảng bá. Ảnh: MT
Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Năm 2023 vừa qua, lần đầu tiên tỉnh Điện Biên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 107% kế hoạch năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt gần 1,37 triệu lượt (vượt 5,3% so với kế hoạch, tăng 2,18 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó khách quốc tế đạt 6.843 lượt (đạt 3,1% so với kế hoạch, tăng 1,41 lần so với cùng kỳ năm 2023); tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.474,1 tỷ đồng (vượt 12,5% so với kế hoạch, tăng 2,25 lần so với cùng kỳ năm 2023); số ngày lưu trú bình quân đạt 3 ngày/khách. Đây được coi là cơ hội lớn để các sản phẩm OCOP của Điện Biên tiếp cận nhanh hơn tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Việc đa dạng các sản phẩm lưu niệm, các đặc sản vùng miền, nhất là phát triển các sản phẩm OCOP và đưa vào các điểm tham quan, nghỉ dưỡng đã được tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế, khơi dậy các tiềm năng về đất đai, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP của Điện Biên.
Tháng 11/2023, Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Điện Biên đã khai trương và đưa vào hoạt động “Điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Điện Biên, nông sản, đặc sản vùng miền” tại thành phố Điện Biên Phủ. Tại đây du khách có thể lựa chọn các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Điện Biên như: Gạo, mắc ca, miến, thịt sấy khô, chè, mật ong... về làm quà. Qua đó, góp phần khuyến khích bà con các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên tích cực duy trì, phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp truyền thống; chủ động sản xuất sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.
Điện Biên tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của các địa phương tại các điểm du lịch trên địa bàn. Ảnh: MT.
Trong thời gian diễn ra Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024 và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ vừa qua nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống đã được tỉnh chú trọng tổ chức mang lại hiệu quả tích cực. Khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng là địa danh nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu lịch sử khi đến Điện Biên. Để làm mới và thu hút khách du lịch, những năm gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng địa phương, trong đó có các sản phẩm OCOP như: Thịt trâu khô; thủ công mỹ nghệ; mây tre đan; cà phê, gạo, chè…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 400 sản phẩm làng nghề gồm nhiều chủng loại khác nhau như: Thổ cẩm, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, rượu dân tộc. Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó giúp nâng tầm sản phẩm OCOP, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững. Chính vì vậy mô hình này cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng; sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay tại Điện Biên, không chỉ riêng HTX sản xuất chế biến kinh doanh nông sản đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng số, mạng xã hội mà ngày càng có nhiều HTX trên địa bàn tỉnh tham gia quảng bá sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng bằng hình thức Livestream, sử dụng Website để giới thiệu, quảng bá; tiếp thị... Đây là cách giúp khách hàng nhanh chóng cập nhật thông tin sản phẩm nhanh chóng, dễ dàng so sánh giá cả với các sản phẩm cùng loại của đơn vị khác, mang lại nhiều thuận lợi, tránh bị mua đắt hay mua phải sản phẩm nông sản không rõ nguồn gốc.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Điện Biên thu thập thông tin của hơn 2.000 hội viên là hộ sản xuất kinh doanh giỏi; mở 1.200 tài khoản giao dịch trên sàn Post Mart cho hội viên nông dân. Đồng thời, lựa chọn 15 sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương quảng bá trên gian hàng thương mại điện tử Post Mart. Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số, tiêu thụ hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản của tỉnh Điện Biên đã và đang dần được khẳng định là hướng đi đúng đắn, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của Khoa học và Công nghệ hiện đại.
Đây là cơ hội để người nông dân và các HTX tiếp tục phát huy thế mạnh trong sản phẩm của mình. Đồng thời, từ đó góp phần khuyến khích bà con nông dân, đồng bào DTTS tỉnh Điện Biên tích cực duy trì giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nông sản truyền thống; chủ động sản xuất sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương. Toàn tỉnh Điện Biên hiện có gần 500 sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo, Buudien.vn... Trong đó, 100% sản phẩm OCOP đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử.
Nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm địa phương, Bưu điện tỉnh đã triển khai gian hàng OCOP tại quầy giao dịch Bưu điện Tp. Điện Biên Phủ giới thiệu và cung cấp sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng và du khách. Đồng thời, đơn vị thực hiện Livetream bán hàng và đăng bài lên kênh Facebook chính thức
UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu đưa chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" trở thành chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh; phát triển sản xuất sản phẩm dịch vụ hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định; phát triển hệ thống dịch vụ, thương mại của tỉnh; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm và các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn.
Thực hiện Đề án, với nhiều giải pháp đồng bộ, việc phát triển các sản phẩm OCOP đã thu được những kết quả tích cực. Các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản chủ lực gắn với các thế mạnh của địa phương. Chương trình OCOP bước đầu đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, một số sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, chủ thể đạt được các chứng nhận quản lý tiên tiến như chứng nhận HACCP, GMP FOOD.../.
Minh Thảo
Bình luận