Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ ba, 12/11/2024 14:11
TMO - COP28 được cho là thắng lợi quan trọng của các nước đang phát triển, bởi đã hình thành Quỹ Tổn thất và thiệt hại với khoản tài chính cam kết đổ vào quỹ khoảng 700 triệu USD. Ấy vậy, đến nay khoản tài chính này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc và hiện cũng chưa có cam kết mới. Sang COP29 sẽ tiếp tục vận động các khoản đóng góp cho Quỹ này.
Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra từ ngày 11 - 22/11/2024 tại Baku, A-déc-bai-gian. Những ngày tới, COP29 sẽ tiếp tục thảo luận các nội dung chính trên cơ sở kết quả đã đạt được tại COP28.
Cụ thể, về thích ứng với biến đổi khí hậu, COP29 dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận biện pháp thực hiện mục tiêu thích ứng toàn cầu (GGA) đã được thông qua tại COP28; Chương trình UAE Belem về các chỉ số đánh giá mục tiêu thích ứng toàn cầu; đánh giá việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP), trong đó chú trọng giải quyết các thiếu hụt và thách thức trong quá trình xây dựng, triển khai NAP, lồng ghép thích ứng BĐKH trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia và có sự tham gia nhiều bên vào hoạt động thích ứng; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với BĐKH ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương.
Trung tâm Hội nghị COP29. Ảnh: T. Hương
Về tổn thất thiệt hại, vấn đề tổn thất và thiệt hại được thông qua tại COP28 được coi là thắng lợi quan trọng của các nước đang phát triển, trong đó có việc thiết lập Quỹ Tổn thất và thiệt hại. Tuy nhiên, việc đóng góp khoảng 700 triệu USD theo như các cam kết ban đầu tại COP28 vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và hiện chưa có cam kết mới. COP29 sẽ tiếp tục thúc đẩy các khoản đóng góp cho Quỹ; hoàn thiện các quy định để đưa Quỹ vào vận hành bao gồm quy định về điều kiện, quy trình tiếp nhận nguồn vốn từ Quỹ do Ngân hàng Thế giới đảm nhận vài trò điều phối.
Về giảm phát thải khí nhà kính, COP29 tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính, đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Điểm nhấn là Chương trình làm việc Sharm el-Sheikh về nâng cao tham vọng và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính; Chương trình làm việc về chuyển đổi công bằng UAE; xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho giai đoạn 2025 – 2035.
Về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, COP29 tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo Thỏa thuận Paris, gồm: Cơ chế hợp tác chuyển giao kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định; Cơ chế thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững; Cơ chế phi thị trường tích hợp, tổng thể và cân bằng. Trong đó có tiêu chuẩn và thủ tục chuyển đổi tín chỉ carbon hình thành từ các dự án theo Cơ chế phát triển sạch sang Cơ chế Điều 6.4.
Hạn hán được xem là một trong những hậu quả từ biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nguy cơ mất an ninh lương thực. Ảnh minh họa.
Về tài chính khí hậu, COP29 sẽ tiếp tục thảo luận về kết quả huy động tài chính từ các nước phát triển cho ứng phó với BĐKH tại các nước đang phát triển so với mục tiêu đạt 100 tỷ USD mỗi năm, bao gồm đánh giá nguồn tài chính cung cấp và các điều kiện đi kèm; thảo luận mục tiêu huy động nguồn lực đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo; thảo luận các biện pháp, quy định toàn cầu về tính minh bạch, các điều kiện ràng buộc trong tiếp cận nguồn vốn cũng như khai thông nguồn lực tài chính tư nhân cho ứng phó với BĐKH; tiếp tục hoàn thiện quy trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu, đảm bảo cân bằng giữa tài chính cho “thích ứng” và “giảm nhẹ”.
Về triển khai kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất, COP29 sẽ tiếp tục thảo luận trong khuôn khổ đối thoại UAE về triển khai kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu đã được thông qua tại COP28. Đây được coi là sự tiến bộ trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH và cung cấp nguồn lực để ứng phó với BĐKH; thu hẹp khoảng cách giữa cam kết với hành động nhằm hướng tới đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Kết quả này cũng thúc đẩy các bên nâng cao tham vọng giảm phát thải của toàn nền kinh tế đối với tất cả các loại khí nhà kính, mọi lĩnh vực và hành động nhằm đạt mục tiêu 1,5 độ C và đưa vào nội dung NDC 3.0 giai đoạn 2025 - 2035.
Về chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực, kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu đã chỉ ra mức độ thiếu hụt lớn trong đáp ứng nhu cầu công nghệ và tăng cường năng lực tại các nước đang phát triểnthực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH. Tại COP28, các bên đã thống nhất xây dựng chương trình triển khai công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu về các công nghệ ưu tiên đã được xác định trong NDC và các thông báo quốc gia của các nước đang phát triển. Nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận thêm tại COP29…/.
LAN HƯƠNG
Bình luận