Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 29/11/2024 20:11
Thứ tư, 13/12/2023 07:12
TMO - Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học trong các lĩnh vực nông nghiệp, y dược góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ an sinh xã hội, phát triển bền vững.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu đến năm 2030, hình thành Trung tâm công nghệ sinh học (CNSH) cấp quốc gia khu vực miền Trung trên cơ sở sáp nhập Viện CNSH (Đại học Huế) và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên Huế (Sở Y tế). Ứng dụng CNSH một cách rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, nhằm thay đổi căn bản trong các ngành sản xuất, đặc biệt các ngành tỉnh có thế mạnh như nông nghiệp, y dược; đóng góp 5 - 7% vào GRDP toàn tỉnh.
Tăng tối thiểu 20% số lượng doanh nghiệp ứng dụng CNSH vào công nghiệp sinh học. Xây dựng và chuyển giao 05 mô hình ứng dụng CNSH trong thủy sản và chế biến nông sản. Phát huy vai trò và thế mạnh CNSH nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng, chẩn đoán, khám và điều trị bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa 05 phòng thí nghiệm trọng điểm hiện có của tỉnh để đáp ứng các yêu cầu phát triển CNSH đạt trình độ tiên tiến thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm CNSH cấp quốc gia khu vực miền Trung có cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, nhân lực đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ của nền CNSH, công nghệ vật liệu mới, công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao; đóng góp 7 - 10% vào GRDP toàn tỉnh. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Thừa Thiên-Huế sẽ tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả CNSH trong sản xuất nông nghiệp và y tế, phát triển công nghệ sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng.
Theo đó, đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Ứng dụng CNSH trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản của tỉnh, cụ thể: Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào để tạo ra các loại giống cây trồng nông nghiệp có đặc tính ưu việt, sạch bệnh, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu với điều kiện biến đổi khí hậu và phù hợp thổ nhưỡng của tỉnh, nhất là các giống cây quý, hiếm, chủ lực của tỉnh có khả năng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, phù hợp với nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tập trung nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng các công nghệ về sinh sản gia súc, gia cầm, đặc biệt là công nghệ sản xuất, bảo quản tinh đông lạnh, công nghệ gây động dục chủ động hàng loạt và phương pháp thụ tinh nhân tạo để lai tạo ra các giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt, sức chống chịu và kháng bệnh cao trước các điều kiện bất lợi của môi trường; sử dụng rộng rãi công nghệ biogas, công nghệ đệm lót sinh học và các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi; Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong sản xuất, cung cấp giống thủy, hải sản có chất lượng cao, kháng bệnh tốt phục vụ nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực nghiệm các phương pháp sinh sản nhân tạo và đưa vào sản xuất đại trà khi có điều kiện đối với một số loại thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu.
Ứng dụng CNSH hiện đại trong canh tác các giống cây trồng, cây lâm nghiệp, nấm, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao; áp dụng rộng rãi các quy trình sản xuất an toàn sinh học. Ứng dụng CNSH trong sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất như phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng, xử lý các phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh, làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi, xử lý môi trường nuôi, chế biến thức ăn thủy sản, phòng trừ dịch bệnh, cải tạo đất. Phát triển và ứng dụng CNSH trong bảo vệ môi trường; giảm thiểu suy thoái, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nhiên liệu, vật liệu sinh học thân thiện môi trường, phát huy tiềm năng kinh tế biển, đầm phá.
Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh phòng trừ nấm bệnh héo rũ lạc tại huyện Phú Vang. Ảnh: HP.
Trong lĩnh vực bảo quản và chế biến nông, lâm và thủy sản: Địa phương này tăng cường đầu tư nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng CNSH trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông, lâm và thủy sản chủ lực của tỉnh, cụ thể: Nghiên cứu ứng dụng CNSH vào trong quá trình bảo quản, sơ chế thủy sản trên tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng của thủy sản khai thác; Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các chất phụ gia, các chất màu tự nhiên để bảo quản và chế biến nông, thủy sản.
Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các thành tựu mới của CNSH vào trong các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Hình thành, phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng CNSH; khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào các hoạt động tiếp nhận và chuyển giao CNSH để phục vụ phát triển công nghiệp chế biến.
Đối với y dược và bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Ứng dụng các kỹ thuật CNSH hiện đại phát triển các bộ KIT trong chẩn đoán, phát hiện nhanh vi sinh vật gây bệnh và các độc tố nhằm chuẩn hóa và kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nguồn nguyên liệu đầu vào và các sản phẩm liên quan để bảo đảm sức khoẻ cho người dân. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển một số vùng dược liệu; chuyển giao và nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi cấy mô, thu nhận hợp chất có hoạt tính sinh học từ cây dược liệu nhằm bảo tồn, phát triển, phục vụ nhu cầu sức khỏe cộng đồng...
Tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực CNSH chất lượng cao cho tỉnh và cả nước với hạt nhân Đại học Huế và một số cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về CNSH đạt tiêu chuẩn cấp vùng và quốc gia. Đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu mạnh hoạt động có hiệu quả, có sản phẩm nghiên cứu chất lượng, có khả năng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa, công bố trên các tạp chí uy tín của quốc tế. Phấn đấu mỗi nhóm nghiên cứu mạnh gắn với 01-02 chương trình quốc gia, cấp bộ hoặc chương trình dự án hợp tác quốc tế.
Hoàn chỉnh Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế gửi Bộ KH&CN thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt; từng bước hình thành và hoàn chỉnh hạ tầng thiết chế Khu Công nghệ cao; chuẩn bị nguồn nhân lực để quản lý, vận hành, đưa Khu Công nghệ cao sớm đi vào hoạt động. Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác kiểm nghiệm an toàn thực phẩm cho phòng kiểm nghiệm thuộc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, trong đó ứng dụng các kỹ thuật CNSH hiện đại, các bộ KIT sinh học trong chẩn đoán, phát hiện nhanh vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm, bảo vệ thực vật và các độc tố nhằm kiểm soát về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hình thành và sớm đưa vào hoạt động có hiệu quả các thiết chế: Khu Y tế công nghệ cao, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu Nuôi trồng thủy sản thâm canh công nghệ cao, Trung tâm OCOP miền Trung tại Huế… hướng đến việc kết hợp, triển khai nghiên cứu, ứng dụng CNSH biển, bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, đào tạo nhân lực, ươm tạo doanh nghiệp ứng dụng CNSH. Tăng cường xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường để đầu tư ứng dụng CNSH. Phấn đấu đến năm 2030, tăng tối thiểu 20% số lượng doanh nghiệp ứng dụng CNSH vào công nghiệp sinh học.
Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới nêu rõ phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đề cập nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học đáp ứng yêu cầu mới. Thời gian qua, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước được ban hành để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học.
Đến nay, những đóng góp đáng kể của công nghệ sinh học vào sự phát triển của kinh tế-xã hội đất nước có thể kể đến như: Chủ động sản xuất hơn 70% giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ sinh học cùng các ngành khác góp phần xây dựng các phần mềm, cảm biến sinh học, số hóa dữ liệu sinh học, phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất được nhiều loại vắc-xin cho người; nhờ thành tựu của công nghệ sinh học đặc biệt là công nghệ gien đã chẩn đoán được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1, H7N9...
Thu Hương
Bình luận