Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ năm, 30/05/2024 08:05
TMO - Thời gian qua, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Ðịnh đã chú trọng nghiên cứu công nghệ sinh học nhằm hỗ trợ đắc lực trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, hướng đến bảo vệ môi trường tự nhiên bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày càng có nhiều doanh nghiệp và người dân đưa công nghệ sinh học, công nghệ thông minh để ứng dụng vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu chi phí đầu tư và nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản sau thu hoạch. Theo đánh giá, các quy trình và công nghệ sinh học được ứng dụng đều giúp doanh nghiệp và người dân đạt được các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trước những hiệu quả từ công nghệ sinh học mang lại, Trung tâm Thông tin- Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (Trung tâm) tỉnh Bình Ðịnh đã tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này để phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thông tin từ cán bộ phụ trách Trạm thực nghiệm KH&CN (thuộc Trung tâm), ngay từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã nghiên cứu, hoàn thiện 4 chế phẩm sinh học, phục vụ đắc lực trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ, như: Bidi-agri, Bidi-aqua, Bidi-imo, Bitricho.
Đặc biệt, chế phẩm Bidi-agri hỗ trợ đắc lực cho người nuôi tôm, giúp tôm tiêu hóa thức ăn, hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng, tăng cường hệ vi sinh đường ruột. Chế phẩm Bidi-imo ức chế và tiêu diệt nhiều loại mầm bệnh, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, đồng thời giúp phân hủy nhanh chất thải trong chăn nuôi, chất hữu cơ, tạo thành chất mùn dễ hấp thụ cho cây trồng; qua đó, làm giảm mùi hôi thối các loại chất thải chăn nuôi và chất thải hữu cơ trong sinh hoạt…
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm giúp tôm hạn chế dịch bệnh, tăng sức đề kháng, bảo vệ môi trường. (Ảnh minh hoạ).
Với mục tiêu đưa chế phẩm sinh học được ứng dụng rỗng rãi trong đời sống sản xuất của bà con nông dân, Trung tâm đã phối hợp với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định triển khai một số mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp, từng bước cải thiện chất lượng, tăng năng suất cho cây trồng và vật nuôi.
Đơn cử như trong khuôn khổ dự án cấp Bộ KH&CN giai đoạn 2021 - 2025 về ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường và phục vụ nông nghiệp sạch tại Bình Định, Trung tâm đã triển khai mô hình sản xuất chế phẩm vi sinh dùng để xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ vi sinh tại Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN, quy mô sản xuất 500 kg chế phẩm/mẻ.
Bên cạnh đó hoàn thành xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại một số đơn vị doanh nghiệp với quy mô 1.000 tấn/năm. Đến nay, đã sản xuất lô phân hữu cơ vi sinh số ‘0’ phục vụ các mô hình ứng dụng trên cây trồng. Trong năm 2024, đơn vị còn phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình ứng dụng phân hữu cơ vi sinh sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ bền vững. Cụ thể, ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) có mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ (5 ha/vụ), tại xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ) có mô hình trồng ớt theo hướng hữu cơ (5 ha/vụ)… tất cả đều rất khả quan.
Mô hình trồng ớt hữu cơ tại xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) cho năng suất cao, ước đạt 1,25 tấn/sào. (Ảnh minh hoạ).
Việc ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong sản xuất rau màu theo hướng hữu cơ đã mang lại sản lượng tốt hơn cho nông dân. Cụ thể qua 3 tháng thực hiện, đến nay, hầu hết ruộng ớt tại xã Mỹ Quang cho thu hoạch năng suất ước đạt 1,25 tấn/sào. Ứng dụng phân bón hữu cơ vi sinh giúp giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, giúp cây ớt phát triển nhanh, ít bệnh, năng suất cao hơn ruộng ớt đối chứng.
Bên cạnh đó, tại xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), Trung tâm còn thực hiện dự án chăm sóc cây bưởi theo hướng hữu cơ quy mô 5ha ở xã. Hiện, cây bưởi đang cho quả, dự kiến thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2024. Công nghệ sinh học còn được ứng dụng trong hoạt động chăn nuôi như xử lý chất thải trong chăn nuôi gà ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ), chăn nuôi heo tại huyện An Lão… Ứng dụng công nghệ sinh học, chế phẩm sinh học trong các mô hình chăn nuôi đã cho thấy mức độ ô nhiễm môi trường giảm rõ rệt.
Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của cả nước, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-SNN ngày 1/8/2022 về việc chuyển đổi số Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 định hướng đến năm 2030 đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi. Chuyển đổi số trong công tác quản lý nông nghiệp để đề xuất chính sách, điều hành phù hợp và kịp thời dựa trên dự báo, cảnh báo thị trường, cảnh báo dịch bệnh, quản lý quy hoạch. Ứng dụng công nghệ số trong các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, an toàn thực phẩm, giám sát dịch bệnh…
Với những kết quả bước đầu đạt được, đội ngũ cán bộ của Trung tâm Thông tin - Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Ðịnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ nông dân thực hiện ứng dụng công nghệ sinh học trên các sản phẩm nông nghiệp của mình. Đây cũng chính là cơ hội để quá trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định nói chung và hoạt động nghiên cứu về công nghệ sinh học nói riêng có thêm những bước phát triển đột phá.
Ngọc Hiền
Bình luận