Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ ba, 04/04/2023 15:04
TMO - Ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội đang tập trung phát triển cơ giới hóa nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, từng bước cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2023, ngành sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng. Đồng thời mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm.
Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Theo đó sẽ nâng cao hiệu quả đất trồng lúa, giảm dần diện tích, kế hoạch gieo trồng năm 2023 đạt 150.000 ha, sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm. Tập trung phát triển theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, thu hoạch, sơ chế và chế biến lúa gạo.
Đối với cây rau, ngành nông nghiệp Thủ đô gieo trồng 34.330 ha, sản lượng đạt khoảng 700 nghìn tấn, trong đó diện tích sản xuất rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận đạt 14.000 ha, diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 489 ha. Đối với cây hoa, diện tích gieo trồng là 7.449 ha, tập trung tại các vùng chuyên canh như: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng mở rộng diện tích cây ăn quả, đạt 23.206 ha; tập trung phát triển cây trồng đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như: Nhãn chín muộn, bưởi Diễn, cam Canh, táo, ổi... Đối với cây chè, duy trì diện tích 2.355 ha, sản lượng trên 20.000 tấn/năm; tiếp tục phát triển diện tích chè chất lượng cao tập trung tại các vùng sản xuất chè truyền thống như: Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ...
Để sản xuất đạt hiệu quả, Sở NN&PTNT yêu cầu đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cũng như chủ động nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi, theo tiêu chuẩn VietGAP. Các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn bảo đảm chất lượng, chủng loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất.
Theo Kế hoạch phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng ngành sản xuất nông nghiệp Hà Nội hiện đại, phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn bằng đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu về tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô theo hướng phát triển bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.
Mở rộng việc ứng dụng công nghệ cơ giới hóa hiện đại vào sản xuất lúa, rau màu từ công đoạn gieo sạ, cấy đến thu hoạch nhằm giảm chi phí giá thành sản xuất. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ sản xuất đối với các cây trồng chủ lực như: Lúa, ngô, rau, đậu tương theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Trong đó, phấn đấu mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đối với các cây chủ lực đạt từ 15-98%; các ngành hàng nông sản được cơ giới hóa đồng bộ gắn với các vùng nguyên liệu tập trung. Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 36 tổ (nhóm) dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn; 10 tổ (nhóm) dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất cây màu; 100% sản phẩm rau, quả chế biến áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định của thành phố và trung ương; 100% sản phẩm rau, quả chế biến áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định của Thành phố và của Trung ương.
Ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn bằng đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Ảnh: NN.
Để khuyến khích người dân đầu tư vào cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thành phố Hà Nội có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với các tổ chức, gia đình, cá nhân khi mua các loại máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, Hà Nội sẽ xem xét hỗ trợ 100% phí quản lý cho đối tượng mua (vay vốn của Quỹ Khuyến nông thành phố), 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn với thời hạn vay tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tính đến năm 2022 toàn thành phố Hà Nội có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... Đến nay, cơ giới hóa trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 100% diện tích đất nông nghiệp và diện tích lúa được thu hoạch bằng máy đạt 90%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2011-2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%, máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần.
Mức độ cơ giới hóa tại một số khâu, trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như: Trồng trọt đạt từ 70% đến 100% (làm đất, tưới, bảo vệ thực vật), chăn nuôi đạt từ 55% đến 90%... Đối với sản xuất lúa, giai đoạn từ năm 2008 đến 2021, khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%, khâu gieo sạ, cấy từ 5% lên 65%, khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật từ 55% lên 80%, khâu thu hoạch từ 15% lên 78%; khâu thu gom rơm, rạ đạt 90%.
Nguyễn Trang
Bình luận