Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 01:11
Thứ năm, 26/09/2024 19:09
TMO - Mấu chốt của kinh tế tuần hoàn là chất thải của ngành này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác. Chính vì vậy hỗ trợ để thí điểm, nhân rộng phát triển các mô hình quản lý chất thải theo vùng miền và địa phương cũng sẽ nằm trong kế hoạch để tạo hỗ trợ về vốn, đất đai cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chuyển đổi xanh là một phương thức phát triển kinh tế quan tâm đến vấn đề môi trường và tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Theo đó, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt và suy thoái môi trường đã trở thành những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh thiên tai, biến đổi khí hậu thì tình hình dịch bệnh đã tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, chỉ có chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh mới là lựa chọn đúng đắn và lâu dài.
Tạo kỳ vọng cho doanh nghiệp
Liên quan đến chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn đối với doanh nghiệp, nêu ý kiến tại Phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. HCM 2024 vừa diễn ra mới đây, TS. Trần Du Lịch đặt vấn đề: Chúng ta nói nhiều về xu thế hiện nay là chuyển đổi xanh, đặc biệt là kinh tế tuần hoàn và hiện nay Chính phủ đã xây dựng kế hoạch hoạt động quốc gia, thực hiện kinh tế tuần hoàn đến 2035. Ông đề nghị nói rõ hơn về chương trình hành động này để tạo kỳ vọng cho doanh nghiệp, đặc biệt đang xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn đã thành xu thế của thời đại, của cả thế giới. Việt Nam cũng đang phát triển nền kinh tế phù hợp với xu thế thời đại.
Mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh nguyên liệu chính là phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, trấu, mùn cưa, lá cây...).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Trong Dự thảo Kế hoạch này đã đề ra 5 quan điểm, mục tiêu, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với các chương trình nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành. Đặc biệt trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp có nhóm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất. Cụ thể là hỗ trợ về thiết kế sinh thái để đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ áp dụng, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo áp dụng công nghệ số, công nghệ thân thiện với môi trường, nhất là kỹ thuật hiện có tốt nhất để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Và cũng có những hỗ trợ về hình thành, phát triển thị trường cho các hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong chuỗi sản xuất tuần hoàn. Ngoài các nhóm nhiệm vụ giải pháp trên, còn có nhóm giải pháp tăng cường quản lý chất thải.
Theo Thứ trưởng Thành, mấu chốt nhất của kinh tế tuần hoàn là chất thải của ngành này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác. Chính vì vậy hỗ trợ để thí điểm, nhân rộng phát triển các mô hình quản lý chất thải theo vùng miền và địa phương cũng sẽ nằm trong kế hoạch này để chúng ta tạo cái hỗ trợ về vốn, đất đai cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có những chế độ hỗ trợ về tín dụng xanh rất cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí xác định các dự án xanh để các dự án có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh không chỉ ở trong nước. Xây dựng chính sách mua sắm công xanh để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Tiếp theo, học hỏi những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng sẽ phải hướng tới tiếp tục sửa đổi các luật pháp về bảo vệ môi trường để hạn chế nhập khẩu phế liệu và khuyến khích thu gom, sử dụng phế liệu trong nước để làm nguyên liệu sản xuất.
Chính sách này được rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đã đi trước chúng ta trong phát triển kinh tế tuần hoàn trong khu vực đã áp dụng. Đồng thời sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia để trong luật của chúng ta có thể đưa vào những quy định về tỷ lệ nguyên liệu tái chế trong mỗi sản phẩm sản xuất ra. Đây cũng là những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong khu vực đã áp dụng. Trong thời gian sắp tới, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật để bảo vệ môi trường, tạo điều kiện khuyến khích hơn nữa phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.
PHẠM DUNG
Bình luận