Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ ba, 26/09/2023 05:09
TMO - Theo các chuyên gia, để Việt Nam thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thì ngành năng lượng là một trong những ngành quyết định. Chiến lược tăng trưởng xanh đòi hỏi sự đóng góp của rất nhiều lĩnh vực như tiêu dùng xanh, sản xuất xanh….và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55/NQ-TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bám sát Nghị quyết này và kế thừa các Quy hoạch điện lực, Chiến lược phát triển năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình và được Chính phủ phê duyệt các Quy hoạch ngành năng lượng, trong đó có quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ban hành các quy hoạch về năng lượng và khoáng sản gồm trên có ý nghĩa rất lớn để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, phát triển của một lĩnh vực rất quan trọng, đó là tài nguyên thiên nhiên và nguồn năng lượng đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, tạo ra các không gian mới cho các ngành năng lượng.
Các quy hoạch này trở thành một trong những định hướng cơ bản cho hoạt động của các lĩnh vực đó trong thời gian tới. Trong đó, quy hoạch về năng lượng hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng; ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cả ba quy hoạch đều hướng đến khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cùng với việc phát triển năng lượng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Các quy hoạch về năng lượng đều khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cùng với việc phát triển năng lượng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thông tin tại Tọa đàm “Tìm giải pháp thực hiện quy hoạch ngành năng lượng, đáp ứng cam kết Net zero” Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, liên quan đến Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, chủ yếu mang tính định hướng về vị trí, quy mô hệ thống kho dự trữ, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, khí đốt trên phạm vi cả nước để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hiệu quả, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo hạ tầng dự trữ, an ninh năng lượng.
Vốn đầu tư các dự án này chủ yếu là vốn của doanh nghiệp. Ngân sách nhà nước chủ yếu ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ quốc gia. Do vậy, khó khăn lớn nhất trong thực hiện quy hoạch là vốn ngân sách hạn chế nên việc xây dựng hạ tầng dành riêng cho dự trữ quốc gia là khó khăn. Bên cạnh đó khó khăn về nguyên liệu đầu vào, nguồn than cho sản xuất điện do việc gia tăng khối lượng lớn than sản xuất trong nước bị hạn chế do điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn. Nhu cầu sử dụng than trong nước hiện tại đã vượt khả năng sản xuất và có xu hướng ngày càng tăng, tương lai Việt Nam sẽ phải tiếp tục nhập khẩu than với khối lượng lớn đến vài chục triệu tấn để cung ứng cho thị trường trong nước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong Quy hoạch điện VIII, EVN tiếp tục được giao giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tỷ lệ các nguồn điện thuộc sở hữu của EVN và các đơn vị thuộc EVN (bao gồm các CTCP GENCO 2, 3) chỉ chiếm khoảng 38%, trong đó EVN quản lý trực tiếp chỉ khoảng 15% nguồn điện và tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm nhanh khi tỷ trong năng lượng tái tạo tăng cao trong thời gian tới. Do đó thách thức lớn nhất đối với việc thực hiện quy hoạch điện VIII đó là đảm bảo cân đối cung-cầu điện.
Theo tính toán từ Ngân hàng thế giới (WB), để xanh hóa ngành năng lượng thì lộ trình đến 2040 Việt Nam cần 368 tỷ USD. Do vậy, theo đánh giá chuyên gia kinh tế, dù có sử dụng hết khả năng hỗ trợ của quốc tế thì khối đầu tư của tư nhân cũng giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Thứ hai là thể chế thực thi. Thứ ba là vấn đề lựa chọn công nghệ.
Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh giá điện tại Việt Nam cần tuân thủ 3 nguyên tắc: Không nên trợ cấp và trợ cấp quá mức đối với lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên sơ cấp truyền thống (than đá, dầu khí) mà cần dành nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng sang xanh, sạch. Bên cạnh đó cần minh bạch các chi phí một cách rõ ràng. Nguyên tắc này rất quan trọng bởi người dân sẽ chấp nhận giá điện đắt hơn do chi phí sản xuất năng lượng sạch cao hơn nhưng điều kiện là phải minh bạch và phản ảnh đúng chi phí thực sự. Cuối cùng, giá điện cần phải có sự hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp cho tầng lớp yếu thế trong xã hội như các hộ nghèo, diện chính sách, hoàn cảnh khó khăn trong tiếp cận năng lượng.
Việc triển khai các Quy hoạch cần đảm bảo tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch.
Để triển khai có hiệu quả các Quy hoạch, trước hết, với quy hoạch phát triển năng lượng, về lâu dài phải đảm bảo cho việc phát triển năng lượng xanh hơn, sạch hơn và đáp ứng được các yêu cầu cung ứng nguồn nguyên liệu sạch cho phát triển. Tuy nhiên, cần phải tính toán đến quá trình xử lý liên quan đến việc bảo vệ môi trường cũng như phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của trình độ phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam, các điều kiện tự nhiên đang có thì khi đó quy hoạch năng lượng sẽ có hiệu quả vừa mang tính thực tiễn nhưng vừa có tính phát triển bền vững, lâu dài.
Theo các chuyên gia, để Việt Nam thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thì ngành năng lượng là một trong những ngành quyết định. Chiến lược tăng trưởng xanh đòi hỏi sự đóng góp của rất nhiều lĩnh vực như tiêu dùng xanh, sản xuất xanh…. và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, để thực hiện được cam kết tại COP26, cần sự hỗ trợ quốc tế, sự vào cuộc của khu vực tư nhân, không chỉ trong nước mà các nhà đầu tư trên thế giới vào các lĩnh vực năng lượng mới.
Về việc đảm bảo tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch là một trong những vấn đề rất quan trọng. Thực tế này không chỉ xảy ra đối với các quy hoạch của Bộ Công Thương mà còn tại nhiều quy hoạch khác. Hiện quy hoạch đang được thực hiện với mục tiêu rộng, không chỉ bó hẹp của từng địa phương, từng ngành, nếu không đảm bảo tính đồng bộ liên thông giữa các quy hoạch với nhau thì lúc đó quy hoạch chỉ là “quy hoạch chết”. Do vậy, quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch chung của đất nước theo cùng một định hướng và như vậy có thể có những ngành việc phát triển chậm hơn một chút nhưng nó lại có hiệu quả cao hơn. Nhưng cũng có những ngành phải phát triển nhanh hơn để từ đó tạo ra bước đột phá, giúp cho sự phát triển của một số ngành khác cũng như của một số địa phương.
Vụ Dầu khí và Than cũng nêu giải pháp, cần tổ chức thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án năng lượng, bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình năng lượng theo quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất để thực hiện các dự án năng lượng theo Quy hoạch; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án năng lượng theo quy định.
V. Duy
Bình luận