Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ ba, 25/06/2024 08:06
TMO - Trong những năm qua, chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP, đã trở thành động lực để phát triển kinh tế tại tỉnh An Giang.
Sau một thời gian triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh An Giang đã thu được những kết quả nhất định. Đặc biệt, thông qua chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh đã có mặt ở các thị trường các tỉnh thành và thậm chí còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
Tính đến tháng 4/2024, toàn tỉnh An Giang đã thực hiện đánh giá, phân hạng và công nhận được 125 sản phẩm OCOP của 86 chủ thể kinh tế. Tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2025 có thêm 170 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao - cấp quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó, chính quyền và người dân địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đã tiếp tục nỗ lực ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển sản phẩm OCOP giúp người sản xuất có điều kiện nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Để quảng bá sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng; các sở, ngành tỉnh phối hợp Bưu điện tỉnh An Giang đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử như PostMart. Hiện có trên hàng chục sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử…
Tỉnh còn hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP tham gia đăng ký thông tin, tham gia và bán hàng qua các kênh bán hàng thương mại điện tử trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến như Sendo; Voso; Postmart; Tiki-BigC/GO; Shopee và Lazada; đưa 150 sản phẩm OCOP và nông sản lên trang Thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP với các tổ chức, cá nhân tiêu dùng trong và ngoài nước. Các địa phương cũng thành lập các chuyên trang để quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch.
Sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, các chủ thể OCOP đã sử dụng mạng xã hội như Facbook, tiktok, các sàn thương mại điện tử như Shopee,…để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của mình. Đơn cử như chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc tại xã Long Kiến, huyện Chợ Mới cho biết, cơ sở đã mạnh dạn phát triển, quảng bá các sản phẩm khô cá lóc lên các sàn thương mại điện tử để tiếp cận với xu hướng tiêu dùng và phương thức bán hàng đa phương tiện.
Cụ thể, trước sự phát triển rộng rãi của nền tảng Tiktok, chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc đã nhanh chóng đăng ký tham gia nền tảng TikTok nhằm quảng bá sản phẩm, tiếp cận đa dạng khách hàng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài nước. Không chỉ có sản phẩm khô cá lóc, các sản phẩm OCOP như trà túi lọc rau đắng biển, trà kim ngân hoa, sản phẩm tương xay, các loại muối chấm… của tỉnh An Giang cũng tích cực mở rộng thị trường cho sản phẩm trên nhiều kênh phân phối, để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn.
Sản phẩm khô cá lóc tỉnh An Giang được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: TT.
Bên cạnh đó tỉnh An Giang còn tổ chức “Chương trình Chợ phiên OCOP An Giang” dự kiến diễn ra vào ngày 30/6/2024 tại Nông trại Phan Nam, xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đây không chỉ là nơi để các doanh nghiệp OCOP giới thiệu và bán hàng trực tiếp mà còn là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử trong tương lai.
Cá sản phẩm OCOP trong sự kiện sẽ được bán, quảng bá trên nền tảng tiktok. Qua việc kết hợp các hoạt động thực tế và truyền thông trên TikTok, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã tạo ra một cầu nối mạnh mẽ, nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm OCOP An Giang và góp phần khẳng định vị thế của tỉnh trên bản đồ kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang cho biết, các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá trong chuyển đổi số sẽ giúp người tiêu dùng nhìn nhận khách quan và đúng đắn về chất lượng, nguyên liệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của quê hương An Giang, từ đó khơi dậy sự tin yêu và tin dùng sản phẩm do địa phương làm ra.
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh được quảng bá hình ảnh, sản phẩm trên thị trường truyền thống và các sàn thương mại điện tử, nhanh chóng tiếp cận với xu hướng tiêu dùng và phương thức bán hàng đa phương tiện; giúp tăng độ tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu, lợi nhuận và giải quyết thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động nông thôn.
Cùng với việc khuyến khích các chủ thể đưa sản phẩm OCOP của mình lên các trang thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội để quảng bá, mở rộng tiêu thụ, tỉnh An Giang còn hỗ trợ các chủ thể quảng bá sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, sự kiện quan trọng. Đối với các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trước đó tỉnh An Giang đã hỗ trợ tham gia xúc tiến tại các tỉnh như Bến Tre, Quảng Ninh, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng, Festival hoa Đà Lạt,...
Để thúc đẩy các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển, ngay từ năm 2023, Sở Công Thương An Giang đã triển khai thực hiện đề án khuyến công địa phương, hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế 15 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, với số tiền hỗ trợ trên 3,56 tỷ đồng (năm 2022 hỗ trợ 13 đề án, số tiền 3,2 tỷ đồng); hỗ trợ 1 doanh nghiệp tham gia đề án khuyến công quốc gia; hỗ trợ cho 7 sản phẩm OCOP, gồm chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị; chả cá thát lát tẩm gia vị; bộ sản phẩm mật thốt nốt; trà kim ngân hoa; xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo; đũa ăn gỗ thốt nốt.
Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương; tạo được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá sản phẩm OCOP của An Giang nói riêng đã giúp người dân, các chủ thể chuyển đổi sản xuất, tiêu thụ theo hướng tăng quy mô sản xuất gắn với chuỗi giá trị, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân…/.
Ngọc Huyền
Bình luận