Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ sáu, 10/11/2023 08:11
TMO - Xác định chuyển đổi số là giải pháp thúc đẩy phát triển, giúp tăng sức chống chịu của nền kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ.
Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân. Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.
Thông tin từ Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp) trong 9 tháng của năm 2023, Bộ NN&PTNT đã triển khai thực hiện 43/51 nhiệm vụ trọng tâm được giao trong Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ trong năm 2023. Trong đó, các nhiệm vụ về lĩnh vực nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, nhân lực số, chính phủ số, kinh tế nông nghiệp số đã triển khai tương đối đầy đủ, song nhiệm vụ an toàn thông tin và xã hội số - nông dân số vẫn đang ở bước đầu triển khai.
Từ năm 2022 đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ NN&PTNT tiếp tục được nâng cấp. Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu phương án xây dựng Trung tâm điều hành quản lý an toàn thông tin của Bộ NN&PTNT. Các đơn vị thuộc Bộ cũng chủ động triển khai nhiệm vụ được phân công.
Theo Cục Trồng trọt, trong thời gian qua, đơn vị đã chủ trì triển khai phát triển dữ liệu vùng sản xuất, vùng nguyên liệu tập trung, nguồn cung gắn với chỉ dẫn địa lý thuộc lĩnh vực trồng trọt, đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng trực tuyến. Cục Thú y đã triển khai phát triển và hoàn thiện dữ liệu lớn về thú y, giám sát, cảnh báo dịch bệnh động vật. Trong khi Cục Thủy lợi đã chủ động nghiên cứu triển khai xây dựng Bản đồ trực tuyến hỗ trợ quản lý điều hành hạn hán xâm nhập mặn, xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài sản, kết cấu công trình thuỷ lợi…
Mô hình trạm quan trắc thời tiết thông minh metos, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây chè tại tỉnh Thái Nguyên.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Hiện nay, thực hiện chuyển đổi số được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả khả quan. Trong đó, các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nước, phân bón... để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát dịch, bệnh trong sản xuất.
Nhiều địa phương đã số hóa trong từng khâu sản xuất, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong chăm sóc, theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính, sản phẩm được đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch, thuận tiện giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tại các vùng sản xuất tập trung đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến. Ðối với sản xuất lúa, nhiều địa phương đã đưa thiết bị bay không người lái phục vụ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm tiếp xúc trực tiếp với hóa chất bảo vệ sức khỏe người dân.
Các địa phương tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như: Ðất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản...; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Công nghệ số có tiềm năng to lớn giúp thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ở nước ta thúc đẩy chuyển đổi số hiện vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng công nghệ kỹ thuật số còn hạn chế khi chưa đến 8% hợp tác xã đang ứng dụng các công nghệ số một phần; kỹ năng nhận thức và sử dụng thiết bị thông minh của nông dân vẫn còn ở mức thấp; các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp chưa đầu tư đáng kể cho vấn đề chuyển đổi số; khả năng tiếp cận tài chính của nông dân còn hạn chế.
Để việc chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực hơn, thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh thiết lập nền tảng dữ liệu về diện tích, sản lượng cây trồng, xây dựng bản đồ số vùng trồng các cây trồng chính để khai thác, sử dụng trong công tác quản lý nhà nước, dự báo và phát triển thị trường tiêu thụ; xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến.
Phát triển ứng dụng công nghệ thông minh, phát triển hạ tầng internet vạn vật để phân tích, hỗ trợ giai đoạn sinh trưởng của cây trồng như: Cảm biến vi khí hậu; giám sát độ ẩm; điều tiết và tiết kiệm lượng nước tưới; thiết lập hệ thống dữ liệu và bản đồ số về diện tích, chủng loại và sản lượng các cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ. nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nhằm phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng; hoàn thiện kho dữ liệu số đáp ứng các yêu cầu về kết nối; chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trong bộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các hoạt động ứng dụng các công nghệ số như cảm biến, IoT, trí tuệ nhân tạo và khai thác dữ liệu để theo dõi các thông số đất đai, thời tiết... nhằm tăng năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Hải Long
Bình luận