Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ năm, 23/11/2023 07:11
TMO - Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, số hóa tiến tới chuyển đổi số di sản được coi là xu hướng tất yếu. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa thực hiện công tác này một cách đồng bộ nhằm tạo thuận lợi trong khai thác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số về di sản tại địa phương.
Theo đó, từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã xây dựng Chương trình thuyết minh 3D giới thiệu tổng quát các giá trị nổi bật của Di sản Thành nhà Hồ; trong đó, nhấn mạnh giá trị nổi bật cả khu vực lõi và khu vực đệm của di sản thế giới này. Với mong muốn mang đến những trải nghiệm hoàn hảo nhất cho du khách, Trung tâm đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích như: Xây dựng ứng dụng hỗ trợ khách du lịch, ứng dụng công nghệ thuyết minh 3D, tích hợp mã QR nghe thuyết minh tự động, số hóa hiện vật tại gian trưng bày bằng cách chụp ảnh, đánh số, cập nhật thông tin hiện vật... sau đó chuyển sang lưu trữ ở dạng file mềm trên các nền tảng số.
Trung tâm thiết lập hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại đáp ứng việc quản lý điều hành, nghiên cứu khoa học, trùng tu di tích, khai thác và sử dụng dịch vụ như: Bổ sung máy chiếu, máy scan, máy tính, lắp đặt tại điểm di tích của khu di sản các mã QR, khi du khách tải app (ứng dụng) và cài đặt, quét mã QR có thể dễ dàng cập nhật thông tin của di tích. Đồng thời, nâng cấp hệ thống wifi phục vụ công tác điều hành, quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại di sản, cho phép phục vụ nhanh chóng nhu cầu lưu trữ, tìm hiểu thông tin của cán bộ, nhân viên cũng như du khách. Thông qua hình ảnh 3D về các di tích, di vật, du khách chỉ cần đứng tại một vị trí tham quan hay ở bất cứ đâu có thể tìm hiểu tổng thể hoặc chi tiết khu di sản bằng hình ảnh trực quan sinh động và chính xác tuyệt đối thông qua điện thoại thông minh có kết nối internet.
Để phục vụ công tác quản lý và bảo tồn Di sản Thế giới Thành nhà Hồ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, chuyên gia quốc tế khảo sát, lập đề án xây dựng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu (MAP GIS) cho di sản. Trong đó, tập trung xây dựng bản đồ khảo cổ học chiến lược cho khu vực đề cử và bảo vệ đặc biệt của di sản gồm Hoàng thành, La thành, Nam Giao, đường Hoàng gia... Các giai đoạn tiếp theo tập trung xây dựng các loại bản đồ phục vụ công tác quản lý di sản cho vùng đệm. Từ kết quả của đề án xây dựng bản đồ số vệ tinh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đang số hóa các điểm di tích trong khu vực lõi và khu vực đệm Di sản Thành nhà Hồ phục vụ công tác quản lý di sản và phát huy giá trị khu di sản.
Theo đánh giá của đơn vị quản lý, việc ứng dụng công nghệ số mang lại nhiều lợi ích phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản và thúc đẩy phát triển du lịch Thành nhà Hồ một cách bền vững. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, quảng bá du lịch vài năm trở lại đây Thành nhà Hồ luôn là điểm đến được du khách lựa chọn. Với những nỗ lực trong khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đến nay, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ đã đón trên 190 nghìn lượt khách, vượt hơn 40 nghìn lượt khách so với chỉ tiêu năm 2023, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn tại Thanh Hóa.
Công tác chuyển đổi số phát huy giá trị Di sản Thành nhà Hồ đang được đẩy mạnh triển khai.
Tại Quyết định số 942/QÐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu mục tiêu đến năm 2025, mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản đồ di sản số để người dân, khách du lịch có thể truy cập thuận lợi trên môi trường số.
Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt theo Quyết định số 2026/QÐ-TTg ngày 2/12/2021, đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa… Ðiều này khẳng định, số hóa di sản văn hóa là chủ trương được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Tuy nhiên, muốn liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả các dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi, cần xác định rõ những vướng mắc cụ thể trong quá trình chuyển đổi số di sản ở từng đơn vị, địa phương để tìm cách khắc phục.
Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng vẫn chưa được coi là nhiệm vụ cần thiết được quy định trong Luật Di sản văn hóa nên chưa có những quy định cụ thể về đầu tư công cho lĩnh vực này. Là tổ chức phi lợi nhuận, thông thường các bảo tàng không có đủ kinh phí để ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ hiện đại, vì vậy phải kêu gọi sự ủng hộ, hợp tác từ các đối tác bên ngoài.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, khai thác di sản cần được thực hiện theo lộ trình bài bản, khoa học, có sự phối hợp linh hoạt giữa các địa phương, bộ, ngành. Nhà nước cần đầu tư các nền tảng công nghệ lõi mang tính xương sống, cơ bản để doanh nghiệp, xã hội, địa phương có thể dựa trên đó hoàn thiện, đồng bộ và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ; ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa nguồn tài chính để ứng dụng công nghệ... Cùng với đó là đầu tư phát triển nguồn lực con người. Bên cạnh đội ngũ có trình độ chuyên môn về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cần đào tạo một đội ngũ nhân lực công nghệ riêng, có khả năng nắm bắt, thực hành các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ.
Đức Thành
Bình luận