Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Thứ ba, 26/09/2023 05:09
TMO - Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang cho biết, chỉ dẫn địa lý giúp bảo tồn, nâng cao giá trị kinh tế của hàng nông sản, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất. Hơn nữa người tiêu dùng được chỉ dẫn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh mang tính đặc thù đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý như cam sành Hà Giang, mật ong Bạc hà Mèo Vạc, hồng không hạt Na Khê huyện Yên Minh, gạo tẻ Già Dui xã Thèng Phàng huyện Xín Mần, gạo Khẩu Mang huyện Đồng Văn, ngô nếp núi đá huyện Yên Minh, cá Bỗng, bò vàng tại 4 huyện cao nguyên đá, gà xương đen, dê núi đá…
Các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Hà Giang khi được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý sẽ tạo cơ hội thúc đẩy và mở rộng sản xuất đối với sản phẩm theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng đầu ra và nâng cao thu nhập đối với người nông dân. Ngoài ra, khi các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cũng góp phần quảng bá hình ảnh của Hà Giang đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, khi được cấp chứng nhận Chỉ dân địa lý sẽ giúp người tiêu dùng truy suất nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm.
Mật ong bạc hà là sản phẩm đầu tiên của Hà Giang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý từ năm 2013 và được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm mật ong đầu tiên trên cả nước được cấp Chỉ dẫn địa lý. Để phát huy giá trị và thương hiệu mật ong bạc hà sau khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, tỉnh Hà Giang đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà.
Từ khi sản phẩm mật ong bạc hà được cấp Chỉ dẫn địa lý, tỉnh Hà Giang đã ban hành một số nghị quyết với nhiều chính sách khuyến khích chăn nuôi, trong đó có nuôi ong và nâng cao chất lượng mật ong bạc hà. Tỉnh quan tâm thực hiện nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc cây bạc hà-nguồn hoa lấy mật của đàn ong trên vùng Cao nguyên đá; hỗ trợ thành lập Hiệp hội nuôi ong ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, qua đó giúp cho các hộ, HTX tham gia hiệp hội có thể giúp đỡ nhau trong sản xuất, chống hàng giả, hạn chế việc đưa các giống ong ngoại lai vào địa bàn làm ảnh hưởng tới việc bảo tồn giống ong nội của tỉnh; hướng dẫn thường xuyên cho các hộ nuôi ong quy trình thời gian, quy trình quay mật; xây dựng mối liên kết giữa người nuôi ong và các tổ chức, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đảm bảo giá trị đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Cam sành - sản phẩm OCOP và là sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Hà GGiang
Cam sành là sản phẩm thứ 2 của Hà Giang được cấp Chỉ dẫn địa lý (năm 2016). Cam Sành là cây bản địa, gắn với truyền thống sản xuất, canh tác của người dân 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Việc triển khai đồng bộ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP đã góp phần quan trọng khai thác hiệu quả quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam Sành Hà Giang.
Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang đã xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng Chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù của địa phương. Ngành khoa học công nghệ của tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong tỉnh có các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh mang tính đặc thù của địa phương, đủ điều kiện để đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xem xét cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.
Đồng thời, thực hiện kế hoạch đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, ngành Công Thương Hà Giang đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm trên cơ sở hợp tác, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ với các tỉnh, thành trong cả nước. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh như cam, chè, mật ong, dược liệu. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các hàng hóa nông sản. Xúc tiến, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn hợp tác đầu tư, khai thác, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương để nâng tầm giá trị của sản phẩm.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến tháng 3/2023, có 128 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, trong đó có 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 115 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Chủ yếu là sản phẩm hoa quả, chiếm 35% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, thủy sản 14%, dược liệu 10%, sản phẩm từ cây công nghiệp 10%, gạo 9%… Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiện nay, số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ không ngừng tăng nhanh nhưng tập trung chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp. Việc sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, phát triển bền vững kinh tế xã hội, mở rộng thị trường, quy hoạch vùng sản xuất, bảo tồn đa dạng sinh học, gia tăng giá trị văn hóa xã hội cho người dân…
Đức Nam
Bình luận