Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ sáu, 14/06/2024 08:06
TMO - Nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai trong thúc đẩy hoạt động kinh tế-xã hội tại địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, qua đó tăng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tiếp cận đất đai là một trong các chỉ số thành phần đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đánh giá khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời gian qua, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm các điều kiện tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp dễ dàng, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đầu tư như: Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời, cải cách thủ tục hành chính, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giới thiệu địa điểm phù hợp và hỗ trợ thủ tục hành chính thông qua các đơn vị xúc tiến đầu tư của tỉnh...
Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường, chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2023 của tỉnh có 5/14 tiêu chí thành phần tăng bậc, đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch giao. Trong đó, những tiêu chí tăng cao so với năm 2022 như tiêu chí doanh nghiệp đánh giá rủi ro bị thu hồi đất tăng 30 bậc; tiêu chí Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm tăng 36 bậc, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch tiêu chí Tỷ lệ doanh nghiệp có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có do thủ tục hành chính rườm rà/ lo ngại cán bộ nhũng nhiễu tăng 21 bậc...
Vĩnh Phúc xác định cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai là giải pháp quan trọng để tăng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2023 có tới 9 tiêu chí thành phần bị tụt giảm. Đây cũng là lý do khiến chỉ số trên chưa đạt mục tiêu UBND đề ra. Trong đó có tiêu chí thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai kéo dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định (%) - Biến mới năm 2021 tụt 43 bậc. Tiêu chí doanh nghiệp tư nhân không gặp cản trở về tiếp cận đất đai và mở rộng bằng kinh doanh giảm 15 bậc; Tiêu chí doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch giảm 10 bậc...
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do lực lượng cán bộ trực tiếp làm công tác giải phóng mặt bằng còn thiếu; chính sách, pháp luật về đất đai thay đổi nhiều qua các thời kỳ, nguồn gốc đất do lịch sử để lại rất phức tạp. Ngoài ra, việc xác định giá đất cụ thể làm cơ sở tính bồi thường cho người có đất thu hồi còn nhiều vướng mắc; quy trình, trình tự xác định giá cụ thể còn kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu bồi thường, giải phóng mặt bằng; vẫn còn có tình trạng “2 giá” nên chưa có được sự đồng thuận của một số hộ dân có đất bị thu hồi.
Cùng với đó, sự vào cuộc của các cấp chính quyền có nơi, có lúc còn chưa được quyết liệt, thiếu trách nhiệm trong điều tra, xác định nguồn gốc sử dụng đất; công tác quản lý đất đai tại một số địa phương còn buông lỏng. Quỹ đất sạch phục vụ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư. Giá thuê mặt bằng, hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp còn cao hơn nhiều so với các địa phương khác trong khu vực.
Xác định mặt bằng là yếu tố tiên quyết để các nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng, đón sóng đầu tư, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, giúp dự án triển khai, tạo động lực phát triển tăng trưởng.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển thêm 5 KCN mới, nâng tổng số KCN trên địa bàn lên 24 khu, với tổng quỹ đất là 7.000 ha. Hiện 8 KCN (Kim Hoa, Khai Quang, Bá Thiện I, Bá Thiện II, Thăng Long Vĩnh Phúc, Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Tam Dương II - khu A) đã đi vào hoạt động ổn định, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của tỉnh, song tỷ lệ lấp đầy rất cao.
Địa phương này chú trọng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch.
Để tạo quỹ đất mới, thu hút các ngành công nghiệp sạch, đem lại giá trị gia tăng cao, tỉnh đang tích cực triển khai hàng loạt các dự án KCN giàu tiềm năng (Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I khu vực 2, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, Đồng Sóc, Nam Bình Xuyên, Sơn Lôi, Phúc Yên).
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhiều dự án công nghiệp của tỉnh luôn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, là nút thắt lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội. Để tháo gỡ, chính quyền các cấp cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ hữu hiệu trong GPMB, giúp dự án triển khai, tạo động lực phát triển tăng trưởng. Để từng bước tháo gỡ nút thắt trong công tác bồi thường, GPMB, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, chính quyền địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ GPMB triển khai các dự án.
Cụ thể, với những vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng dự án tái định cư, giao đất tái định cư, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh giải quyết vướng mắc về chênh lệch giá đất tái định cư và giá đất ở thu hồi của các dự án trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu Quỹ phát triển đất của tỉnh khẩn trương ứng vốn cho các địa phương để bồi thường, GPMB, đầu tư xây dựng khu tái định cư, khu nghĩa trang phục vụ GPMB các KCN theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh theo văn bản số 230 ngày 27/10/2022 và số 8786 ngày 2/12/2022.
Phấn đấu chỉ số Tiếp cận đất đai và các chỉ tiêu hợp thành chỉ số thành phần được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố trên cả nước vào năm 2024, Sở TN&MT tập trung nghiên cứu, kịp thời tham mưu sửa đổi Quyết định 61/2021 và Quyết định số 05/2023 của UBND tỉnh quy định chi tiết một số điều về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội.
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ sở dữ liệu đất đai; các quy hoạch về tài nguyên môi trường để các nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận thông tin, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Đối với UBND các huyện, thành phố cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai đến người dân có đất bị thu hồi. Trong đó nêu cao vai trò “dân vận khéo” của các tổ chức đoàn thể chính quyền địa phương.
Chủ động phối hợp với chủ đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch, quy trình thực hiện công tác GPMB; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vụ việc vượt thẩm quyền. Tăng cường bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư…/
Đức Thiện
Bình luận