Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ bảy, 04/11/2023 11:11
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật.
Thỏa thuận Paris yêu cầu chi tiết hóa số liệu kiểm kê các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp; các quốc gia dần kiểm soát ít nhất 85% tổng phát thải quốc gia từ các nguồn, cơ sở phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn quốc và thuộc các lĩnh vực nêu trên. Quyết định 01/2022/QĐ-TTg được ban hành đã góp phần kiểm soát 23% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Việc xác định danh mục các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cung cấp căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp để rà soát và cải thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm kê khí nhà kính theo lĩnh vực, nguồn phát thải. Các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là một số doanh nghiệp đã và đang xây dựng cơ chế cung cấp số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn có một số khó khăn, hạn chế trong triển khai Quyết định 01/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Nguồn nhân lực thiếu hụt đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc thực hiện chế độ thông tin, số liệu, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tuân thủ các quy định chưa được thực hiện đầy đủ và thống nhất do vấn đề về kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính là lĩnh vực mới, yêu cầu cao về nguồn lực thực hiện.
Một số thông tin của cơ sở (địa chỉ, tình trạng hoạt động,…) hiện không còn chính xác. Nguyên nhân do một số cơ sở thay đổi địa chỉ kinh doanh, hoạt động, đổi tên hoặc ngừng hoạt động. Chế độ cung cấp thông tin về số liệu hoạt động của các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại một số tỉnh, thành phố chưa đảm bảo chất lượng và thời gian. Các danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính tại Quyết định 01/2022/QĐ-TTg chưa bao gồm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số cơ sở mới đáp ứng các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
Tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia của Việt Nam đều tăng nhanh theo thời gian, với mức tăng trung bình trên 11 triệu tấn CO2 tương đương mỗi năm (Ảnh minh họa).
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện và công bố 6 kỳ kiểm kê khí nhà kính quốc gia cho các năm 1994, 2000, 2010, 2013, 2014, 2016, 2018 và 2020 dựa trên số liệu tổng hợp của quốc gia và cấp ngành. Theo đó, trong giai đoạn từ 1994 đến 2020, tổng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam (bao gồm lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp LULUCF) tăng nhanh từ 103,8 triệu tấn CO2 tương đương lên khoảng 413,5 triệu tấn CO2 tương đương. Có thể thấy rằng, tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia của Việt Nam đều tăng nhanh theo thời gian, với mức tăng trung bình trên 11 triệu tấn CO2 tương đương mỗi năm. Mức độ gia tăng này đặc biệt nhanh trong thời gian gần đây:
Lĩnh vực năng lượng, đây là lĩnh vực có tốc độ tăng nhanh nhất trong các kỳ kiểm kê khí nhà kính quốc gia. Tổng lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực năng lượng tăng từ 25,6 triệu tấn CO2 tương đương trong năm 1994 lên mức 286,5 triệu tấn CO2 tương đương trong năm 2020. Trong lĩnh vực này, phát thải chủ yếu đến từ các hoạt động đốt nhiên liệu, phát thải từ phát tán trong quá trình khai thác nhiên liệu hóa thạch chỉ chiếm một phần nhỏ, khoảng 10%.
Đối với lĩnh vực các quá trình công nghiệp, bên cạnh phát thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, bản thân các hoạt động công nghiệp cũng phát thải ra khí nhà kính với mức tăng từ 3,8 triệu tấn CO2 tương đương trong năm 1994 lên mức 52,7 triệu tấn CO2 tương đương trong năm 2020. Tốc độ tăng phát thải của lĩnh vực này tỷ lệ thuận với mức độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp, chủ yếu từ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là sản xuất xi măng, sản xuất vôi và công nghiệp luyện kim.
Tại lĩnh vực chất thải, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này tăng nhanh từ mức 2,6 triệu tấn CO2 tương đương năm 1994 lên mức 20,7 triệu tấn CO2 tương đương trong năm 2016 và tăng mạnh lên tới 30 triệu tấn CO2 tương đương trong năm 2018 và tiếp tục tăng lên 31 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2020 dù đã giảm tốc. Trong đó, đóng góp khí nhà kính chính cho lĩnh vực này vẫn là phát thải từ bãi chôn lấp chất thải rắn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất (AFOLU): Phát thải từ lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu từ hoạt động canh tác lúa và các hoạt động canh tác khác. Phát thải từ hoạt động canh tác lúa trong lĩnh vực nông nghiệp là tương đối ổn định, đặc biệt là trong giai đoạn 2010 - 2016 và có xu hướng giảm nhẹ trong các kỳ kiểm kê khí nhà kính gần đây. Phát thải từ lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất kể từ năm 2010 đã chuyển từ phát thải sang hấp thụ, qua đó giúp giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia. Tuy nhiên, tổng phát thải của lĩnh vực AFOLU vẫn tăng nhẹ qua các kỳ kiểm kê bởi 2 lý do chính là dự đóng góp ngày càng tăng của ngành chăn nuôi cũng như sự suy giảm diện tích và đặc biệt là chất lượng rừng.
Theo Báo cáo kỹ thuật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự báo xu hướng phát thải theo Kịch bản phát triển thông thường của Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2030 vẫn sẽ tiếp tục tăng cao, tổng phát thải quốc gia năm 2030 đạt mức 927,9 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, lĩnh vực năng lượng vẫn là lĩnh vực có mức phát thải lớn nhất, với 678,4 triệu tấn CO2 tương đương, tiếp theo là lĩnh vực các quá trình công nghiệp, nông nghiệp và chất thải. Lĩnh vực LULUCF vẫn hấp thụ khoảng 50 triệu tấn CO2 tương đương.
Căn cứ trên việc rà soát, đánh giá các yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp quốc gia của Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC); thực tiễn quản lý các lĩnh vực kinh tế theo chức năng, nhiệm vụ của các Bộ và cơ chế phối hợp trong cung cấp thông tin, số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia. Các lĩnh vực phải thực hiện quản lý phát thải khí nhà kính, bao gồm: Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng; Tiêu thụ năng lượng trong thương mại, dịch vụ và dân dụng như dệt may, công nghiệp điện tử; Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải; Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Các ngành công nghiệp nặng: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất: Phát thải từ chăn nuôi; sử dụng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất; canh tác nông nghiệp; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải nông nghiệp khác; Chất thải: Phát thải từ bãi chôn lấp chất thải rắn; phát thải từ xử lý chất thải rắn bằng phường pháp sinh học; phát thải từ thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.
Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (Hà Nội) là 1 trong 70 cơ sở xử lý chất thải rắn dự kiến phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Danh mục cập nhật các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm 2.893 cơ sở, tăng 981 cơ sở so với Quyết định 01/2022/QĐ-TTg, cụ thể: Ngành Công Thương có 2.261 cơ sở là các nhà máy điện, các cơ sở công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 599 cơ sở so với năm 2022. Ngành Giao thông Vận tải có 81 cơ sở là các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa đã được Bộ Giao thông vận tải rà soát, đề xuất đưa vào danh mục, có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 11 cơ sở so với năm 2022.
Ngành Xây dựng có 140 cơ sở bao gồm các doanh nghiệp sản xuất xi măng và các tòa nhà thương mại có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 36 cơ sở so với năm 2022. Theo ý kiến của các cơ quan liên quan của Bộ Xây dựng, danh mục thuộc ngành xây dựng không bao gồm các tòa nhà chung cư, bệnh viện, trường học do việc vận hành các loại toà nhà này không thuộc diện quản lý của ngành xây dựng và lượng phát thải khí nhà kính, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của các loại toà nhà nêu trên không lớn so với tổng phát thải khí nhà kính của lĩnh vực toà nhà.
Ngành Tài nguyên và Môi trường có 70 cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên, giảm 6 cơ sở so với năm 2022. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 341 cơ sở (Phụ lục VI) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm ước tính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Tuy nhiên, Danh mục tại Quyết định 01/2022/QĐ-TTg chưa bao gồm các cơ sở thuộc ngành này. Nhằm hướng tới mục tiêu quản lý phát thải khí nhà kính của toàn bộ nền kinh tế, việc bổ sung các cơ sở thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vào danh mục các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính là phù hợp ở thời điểm hiện tại.
Như vậy, tổng số cơ sở thuộc các danh mục cập nhật là 2.893 cơ sở, tăng thêm 981 cơ sở, tương đương với mức tăng 51,3% so với năm 2022, ước tính chiếm tỷ lệ khoảng 34,5% trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Đây là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính cao thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ về phát thải khí nhà kính, thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn từ nay tới 2030 và có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) vào năm 2030.
Đức Thanh
Bình luận