Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Thứ bảy, 14/10/2023 07:10
TMO - Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cho biết, việc bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý sẽ tạo tiền đề cho việc quản lý chất lượng sản phẩm tôm Bình Thuận ngày một tốt hơn, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nuôi và kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được hưởng lợi nhiều hơn.
Tại Bình Thuận, nghề sản xuất tôm giống đã bắt đầu từ những năm 1985 và có mặt ở thị trường miền Nam từ những năm 1990, khi nghề nuôi tôm nước lợ ở đồng bằng Sông Cửu Long mới bắt đầu phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 148 doanh nghiệp, cơ sở với 730 trại sản xuất tôm giống. Sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ năm 2020 đạt 25,3 tỷ con post/148 cơ sở và chiếm 20% sản lượng tôm giống của cả nước. Sản xuất tôm giống tại Bình Thuận hiện nay chủ yếu trên 2 đối tượng là tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Theo đánh giá, Bình Thuận là vùng có nước trồi dinh dưỡng cao, có độ mặn ổn định, không có nước ngọt từ sông ngòi đổ vào biển nên giàu hàm lượng khoáng. Thành phần khoáng chất trong nước có tỷ lệ hợp lý, rất phù hợp để nuôi tôm giống, giúp con tôm phát triển nổi trội hơn so với những địa phương khác. Không chỉ vậy, khu vực nuôi nơi đây có nhiều rặn san hô có tác dụng lọc nước biển. Tôm giống Bình Thuận cũng đã được xác định là sản phẩm lợi thế phục vụ mục tiêu chiến lược về phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 79 ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, sản phẩm tôm Bình Thuận vẫn có những hạn chế trong việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, việc sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh sản phẩm tôm Bình Thuận cũng gặp không ít khó khăn như: tình trạng tôm giống giả thương hiệu tôm Bình Thuận, tôm giống kém chất lượng; thị trường tiêu thụ chậm, chưa kết nối được đầu ra tương xứng với tiềm năng và chất lượng sản phẩm... Từ thực trạng trên cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng sản phẩm tôm Bình Thuận chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Không những thế những năm gần đây, giá trị kinh tế từ sản phẩm này còn bị giảm sút nghiêm trọng.
Bình Thuận hướng tới mục tiêu xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ thuận lợi.
Việc bảo hộ dưới hình thức “chỉ dẫn địa lý” sẽ tạo tiền đề cho việc quản lý chất lượng sản phẩm tôm Bình Thuận ngày một tốt hơn. Đồng thời tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nuôi và kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi nhiều hơn từ giá trị thương hiệu tôm Bình Thuận. Nhằm hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm "Tôm Bình Thuận" gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu” thuộc Chương trình Phát triển Tài sản Trí tuệ, bắt đầu thực hiện từ năm 2022.
Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận tiếp tục phối hợp với các đơn vị xây dựng báo cáo cơ sở khoa học, điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm phục vụ việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ hoàn tất hồ sơ đăng ký bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ và kết quả xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý; xây dựng hệ thống các văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý và sản phẩm được bảo hộ, đồng thời phát triển hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ.
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã và đang trở thành một định hướng quan trọng nhằm gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của Bình Thuận. Đây được xem là công cụ cần thiết, quan trọng để khẳng định chất lượng, uy tín cho các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, đặc trưng của tỉnh.
Năm 2006, Bình Thuận là tỉnh đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (Chỉ dẫn địa lý) cho sản phẩm thanh long Bình Thuận. Không chỉ được bảo hộ trong nước, thanh long Bình Thuận còn được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý tại các nước trong khối Liên minh châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thanh long, được xem là “chìa khóa” giúp thanh long tiêu thụ vững chắc không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên thế giới, là đòn bẩy để trái thanh long tiến mạnh vào các thị trường khó tính trên thế giới.
Cùng với thanh long, nước mắm Phan Thiết cũng là sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa khá sớm, từ năm 2007. Ngoài được bảo hộ trong nước, đến nay nhãn hiệu “Phan Thiết” đã được 3 quốc gia bảo hộ gồm Hoa Kỳ, Thái Lan và Campuchia. Việc có chỉ dẫn địa lý có lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp vì người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc, biết đến đặc sản vùng miền của địa phương, uy tín sản phẩm, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí quảng cáo.
Đức Tuấn
Bình luận