Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 15/12/2024 02:12
Thứ bảy, 19/10/2024 06:10
TMO - Bình Định được mệnh danh là “thủ phủ” dừa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và xếp thứ 5 cả nước. Việc dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc tạo cơ hội để địa phương này nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng nông sản này.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), tại Bình Định, cây dừa đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực. Tính đến nay, toàn tỉnh có 9.352,6 ha dừa, trong đó diện tích kinh doanh chiếm phần lớn, với 9.332,8 ha. Năng suất trung bình đạt 119,3 tạ/ha, sản lượng hằng năm lên đến 111.357,9 tấn. Đáng chú ý, diện tích dừa xiêm, giống dừa uống nước chiếm khoảng 24,5%, tương đương 2.292 ha.
Về giống dừa, ngành Nông nghiệp định hướng, khuyến khích người dân tập trung vào hai dòng chính, gồm: Dừa ta dùng để lấy dầu và dừa xiêm dùng để uống nước. Đa phần giống dừa được trồng là các giống bản địa, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Các vùng trồng tập trung chủ yếu ở các huyện như Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân và TX.Hoài Nhơn. Đối với dừa xiêm, các khu vực như Cát Lâm, Cát Hanh (huyện Phù Cát), xã Ân Tín, Ân Đức (huyện Hoài Ân), phường Hoài Xuân (TX.Hoài Nhơn)... là những nơi có tiềm năng phát triển mạnh.
Việc tiêu thụ dừa tại Bình Định được chia theo hai hướng chính: Đối với dừa lấy dầu, trái dừa khô sau khi lột vỏ thường được các thương lái thu gom để tiêu thụ ở thị trường phía Bắc, Trung Quốc hoặc cung cấp cho các cơ sở chế biến trong tỉnh. Trong khi đó, dừa xiêm chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh và cung cấp cho các thị trường lân cận. Tuy nhiên, với việc ký kết Nghị định thư về xuất khẩu dừa sang Trung Quốc, khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ dừa xiêm hứa hẹn sẽ tăng cao.
Vườn dừa tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát được ngành chức năng làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu. Ảnh: VT.
Anh Lê Trung Văn (xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát) bày tỏ vui mừng khi chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây ở Bến Tre đến tận vườn nhà anh để uống nước dừa hái từ vườn nhằm thử chất lượng nước. Với khoảng 300 gốc dừa xiêm, theo khuyến cáo của ngành chức năng huyện Phù Cát, anh Văn chăm sóc vườn dừa của mình theo hướng hữu cơ. Tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, chỉ bón phân chuồng trộn với chế phẩm Trechoderma. Thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh cho dừa anh cũng dùng thuốc sinh học, không dùng thuốc hóa học.
Cũng trên địa bàn huyện Phù Cát, vườn dừa hữu cơ rộng 1,5ha của anh Lưu Anh Vũ (33 tuổi) ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp cho thấy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp an toàn. Theo anh Vũ, trong những năm đầu, vườn dừa của anh được chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống, chưa được chăm sóc theo hướng hữu cơ như bây giờ.
Ngay sau khi được trao đổi kinh nghiệm, anh Vũ đã tận dụng phụ phẩm của chính cây dừa như mụn dừa, vỏ dừa khô, lá dừa khô ủ với phân chuồng để bón cho cây dừa. Mỗi năm bón 2 đợt phân hữu cơ, 1 lần vào đầu mùa mưa và 1 lần sau mùa mưa. Mỗi lần bón phân, 1 gốc dừa bón từ 8-10kg. Một năm làm bồn cho mỗi gốc dừa 3 lần, bồn có nhiệm vụ giữ phân giữ nước cho cây, đất vét bồn được đắp vun gốc cho cây dừa. Cây dừa cũng được tưới nước mỗi ngày, lượng nước tưới đủ đảm bảo giữ độ ẩm cho đất chứ không để thừa.Nếu như trước cây 1 cây dừa mỗi năm cho khoảng 80 quả/năm thì nay cho hơn 100 quả/năm.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, người trồng dừa sợ nhất là kiến gương. Khi cây dừa bắt đầu cho quả là kiến gương xuất hiện đục đọt dừa. Cây dừa mà bị kiến gương xơi mất đọt thì kể như người trồng mất thu hoạch. Còn bọ cánh cứng thì chỉ gây hại lá dừa làm mất năng suất. Người trồng dừa ở Phù Cát xử lý kiến gương bằng cách treo những bịch muối hạt trên bẹ dừa, muối ra nước nhỏ xuống đọt dừa sẽ ngăn chặn được nạn kiến gương gây hại. Còn bọ cánh cứng thì bà con phun thuốc sinh học để diệt.
Bình Định định hướng phát triển diện tích trồng dừa đến năm 2030 là 10.000ha, khai thác lợi thế trong xuất khẩu chính ngạch dừa sang thị trường Trung Quốc.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Việc dừa tươi chính ngạch được xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ giúp giá dừa uống nước tăng cao và ổn định hơn. Điều này sẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân, từ đó khuyến khích họ mở rộng diện tích trồng dừa, đảm bảo sự phát triển bền vững. Ngoài ra, Nghị định thư này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối với các vùng trồng tập trung, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của dừa Bình Định trên thị trường quốc tế.
Để đáp ứng yêu cầu khắt khe mà phía đối tác đặt ra, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hải quan Trung Quốc.
Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã kiểm tra và đồng ý cấp mã số đối với 5 vùng trồng dừa xiêm trên địa bàn tỉnh (huyện Phù Cát 4 mã số, huyện Hoài Ân 1 mã số) với tổng diện tích hơn 62ha; đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các địa phương còn lại xây dựng mã số vùng trồng hướng đến xuất khẩu.
Thời gian tới, Bình Định định hướng phát triển diện tích trồng dừa đến năm 2030 là 10.000ha (diện tích thu hoạch là 9.650ha), sản lượng hơn 117.700 tấn; trong đó, diện tích dừa xiêm là 3.550ha, chiếm hơn 35% tổng diện tích trồng dừa. Tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026; tập trung phát triển các vùng sản xuất dừa xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; kêu gọi các doanh nghiệp thu mua, sơ chế dừa để xuất sang Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh đang xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp về Bình Định đầu tư nhà máy sơ chế, làm đầu mối thu mua và tham gia chuỗi liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm dừa để xuất sang thị trường Trung Quốc. Đây là cơ sở để dừa tươi Bình Định đảm bảo yêu cầu cấp mã số cơ sở đóng gói và triển khai thực hiện các tiêu chuẩn cho trái dừa phù hợp với thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu thụ dừa hằng năm của thị trường Trung Quốc rất lớn, đạt hơn 4 tỷ trái dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ trái dừa tươi, còn lại phục vụ chế biến. Giai đoạn 2019-2023, nhập khẩu dừa của thị trường Trung Quốc tăng trưởng bình quân 22,71%/năm. Đặc biệt trong hai năm 2022 và 2023, lượng dừa nhập khẩu liên tục đạt mức cao kỷ lục, lần lượt là 1,095 triệu tấn và 1,22 triệu tấn.
Trong 7 tháng của năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu dừa từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nguồn cung dừa chủ yếu cho Trung Quốc gồm: Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, thị phần chiếm 96,51% tổng lượng.Việt Nam là nguồn cung dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc, đạt hơn 111,1 nghìn tấn, trị giá 31,79 triệu USD, giảm 30,6% về lượng và giảm 18,6% về trị giá so cùng kỳ năm 2023. Hiện, Việt Nam có khoảng 200.000ha trồng dừa, sản lượng hơn 2 triệu tấn, giá trị đứng thứ 4 trên thế giới.
Trong 2 ngày 11 và 12.9 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành kiểm tra 24 vùng trồng dừa, 12 cơ sở đóng gói dừa tươi của Việt Nam trước khi cấp mã số cho các cơ sở này xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu phấn đấu khoảng 80% mã số được phê duyệt trở lên.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, dừa tươi được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.
Trước khi xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên. Đồng thời, trước khi xuất khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 2 năm đầu tiên, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%.
Lê Mai
Bình luận