Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 20/04/2025 07:04
Thứ bảy, 19/04/2025 06:04
TMO - Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (tỉnh Thái Nguyên) có vai trò quan trọng với tự nhiên và con người. Hiện nay, lực lượng chức năng đã và đang siết chặt công tác quản lý, giám sát nhằm bảo tồn nguyên trạng tính đa dạng sinh học của khu vực này.
Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích gần 19 nghìn ha, trải rộng trên các dãy núi đá vôi của 8 xã và thị trấn huyện Võ Nhai gồm Thần Sa, Sảng Mộc, Thượng Nung, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Phú Thượng, Cúc Đường và thị trấn Đình Cả, được xem như “lá phổi xanh tự nhiên” của tỉnh Thái Nguyên.
Về động vật có 348 loài, gồm 83 loại thú, 175 loài chim, 61 loài bò sát, 29 loài lưỡng cư, thuộc 89 họ, 25 bộ, trong đó, có 60 loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn. Đặc biệt, Khu dự trữ thiên nhiên còn có hệ thống hang động, di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ học Mái đá Ngườm có niên đại khoảng 41.000 năm, là cái nôi của người Việt cổ. Trong khu dự trữ thiên nhiên còn có hệ thống hang động, di tích lịch sử-khảo cổ học người tiền sử nổi tiếng Mái Đá Ngườm; là có vị trí quan trọng đối với an ninh, quốc phòng.
Về đa dạng sinh học, Khu dự trữ thiên nhiên có 6 kiểu thảm thực vật, 1.234 loài thực vật thuộc 660 chi, 171 họ, 5 ngành và 2 lớp thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 87 loài thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm; 37 loài có trong sách đỏ Việt Nam; 8 loài có trong sách đỏ Thế giới (IUCN Redlist 2019) và 55 loài nằm trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Do đó, Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng có vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên. Lãnh đạo Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong các năm 2023, 2024, Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ: Điều tra hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển loài nghiến, loài đinh quý, hiếm và nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng”; “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn các loài động vật thuộc bộ Linh trưởng (Primates) trong Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng”.
Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có tính đa dạng sinh học cao.
Qua đó xác định được các mối đe dọa đối với quần thể loài và sinh cảnh sống, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển, chương trình giám sát đa dạng sinh học. Hiện nay, để bảo vệ Khu dự trữ thiên nhiên quý giá này, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Thái Nguyên bố trí 2 trạm bảo vệ rừng, mỗi trạm 7- 10 cán bộ với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ sự đa dạng sinh học và các giá trị tài nguyên rừng, phục hồi, tôn tạo phát triển cả diện tích và chất lượng rừng; bảo vệ quần thể cũng như động, thực vật quý, hiếm, các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, tăng số lượng, chất lượng cá thể và quần thể các loài đang bị đe dọa.
Đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho xây dựng các dự án đầu tư, huy động nguồn lực xã hội quản lý, bảo vệ và phát triển khu rừng; bảo tồn giá trị truyền thống, tạo sự hài hòa giữa cảnh quan và các hoạt động kinh tế của cộng đồng dân tộc trong vùng…Qua đó nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường, thu hút người dân tham gia bảo vệ rừng và sử dụng rừng bền vững.
Các trạm, chốt bảo vệ rừng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng các huyện, xã vùng giáp ranh, lực lượng Kiểm lâm huyện, Kiểm lâm vùng giáp ranh 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn tuần tra bảo vệ rừng, đôn đốc thôn, xóm, phối hợp bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ tại tiểu khu, lô, khoảnh, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm xâm hại đến tài rừng, đất rừng đang được giao quản lý.
Nhiều năm trở lại đây, Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng được bảo vệ ngày càng tốt hơn, ít vụ việc xâm phạm đến tài nguyên rừng. Bà con sống trong vùng đệm của Khu dự trữ đã và đang tích cực chung tay cùng Ban Quản lý để bảo vệ tài nguyên rừng. Có được kết quả đó là nhờ những năm qua, công tác tuyên truyền, phối hợp với người dân cũng như tạo sinh kế từ các chương trình, dự án liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học được thực hiện hiệu quả.
Riêng năm 2024, đơn vị đã hỗ trợ 800 triệu đồng cho 20 thôn, xóm để xây dựng các công trình công cộng như nước sạch, điện chiếu sáng, nhà vệ sinh công cộng, đèn năng lượng mặt trời; các chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa, cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học; các dự án đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ, bảo tồn.
Triển khai phương án quản lý rừng bền vững, các trạm bảo vệ rừng Thần Sa-Phượng Hoàng đều xây dựng kế hoạch, phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng sát thực tế. Đồng thời, thực hiện tốt các quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Võ Nhai, các xã trong khu vực và các tỉnh giáp ranh.
Nhân viên Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng tuần tra, giám sát rừng.
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Khu dự trữ thiên nhiên có nhiều thay đổi về mô hình tổ chức và quy mô. Bên cạnh đó, để người dân tham gia bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ bà con tạo sinh kế ngay dưới tán rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Theo đó, ngay từ năm 2023, Ban Quản lý đã triển khai mô hình trồng cây dược liệu tại xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Theo đó, 12 hộ dân tham gia mô hình được cấp cây giống Ba kích và Khôi tía, đáp ứng đủ diện tích trồng 3,1ha. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh cũng đã cấp cây giống ba kích, cát sâm cho bà con ở các xã Sảng Mộc, Cúc Đường, Thần Sa và Phú Thượng để triển khai trồng với tổng diện tích 12ha.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh Thái Nguyên, sự phối hợp của chính quyền địa phương, ủng hộ của người dân và nỗ lực của tập thể cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng được triển khai một cách bài bản.
Nhờ đó các vụ xâm hại tài nguyên rừng giảm rõ rệt, hệ sinh thái rừng đã được bảo vệ, đa dạng sinh học được bảo tồn. Trong thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chức năng và bà con Nhân dân nhằm bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc giữ rừng, bảo tồn, bảo vệ tính đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên quý giá.
Bảo An
Bình luận