Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 03:11
Chủ nhật, 12/03/2023 12:03
TMO - Thực tế cho thấy, quá trình vận hành hồ, đập chứa quặng đuôi gây ra nhiều sự cố về an toàn và môi trường. Do vậy, tăng cường năng lực về bảo vệ môi trường nói chung và công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hồ chứa quặng đuôi nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các Bộ, ngành chú trọng chỉ đạo triển khai.
Ngành khai thác chế biến khoáng sản là một trong những ngành công nghiệp gây ra nhiều sự cố môi trường nhất và các sự cố đã xảy ra chủ yếu liên quan đến các đập, hồ thải chứa quặng đuôi từ chế biến các loại khoáng sản khác nhau. Các chất độc hại bao gồm các kim loại nặng, axit, sulphate,...từ chất thải đã theo nguồn nước từ khu vực mỏ gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm.
Quặng đuôi là chất thải hình thành trong quá trình tuyển quặng, bao gồm cả dạng rắn và lỏng. Các loại quặng đuôi này thường được thải vào hồ, đập. Đã có nhiều sự cố liên quan đến hồ thải quặng đuôi, nhất là khi thời tiết mưa bão, làm vỡ hoặc rò rỉ nước trong hồ, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí là đe dọa đến tính mạng con người.
Sự cố môi trường từ hồ chứa quặng đuôi nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Theo khảo sát, nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện kim hiện cả nước có khoảng 120 hồ chứa quặng đuôi với khoảng 109 đập chắn bãi thải đang hoạt động trên địa bàn 16/63 tỉnh, thành phố. Phần lớn các hồ, đập chứa quặng đuôi nằm trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, như: Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai. Số liệu thống kê cho thấy, các hồ chứa có dung tích đa dạng từ vài chục nghìn đến hàng triệu m3, tuỳ thuộc vào công suất khai thác mỏ.
Trên cả nước hiện có 10 hồ có dung tích trên 1 triệu m3; 38% các đập khảo sát được xây dựng bằng đất, 32% sử dụng kết hợp vật liệu đất, đá, bê tông, số lượng các đập xây bằng bê tông và đá hộc chỉ chiếm tương ứng 5% và 3%; 20/120 đập chắn được nâng chiều cao nhưng 70% đập được nâng chiều cao không lập phương án thiết kế, các trường hợp còn lại đều do chủ đầu tư tự lập và phê duyệt; 39% doanh nghiệp không lập kế hoạch vận hành, bảo trì đập và hồ chứa trong quá trình sản xuất.
Về cơ bản các doanh nghiệp vận hành hồ thải, đập thải đã có ý thức chấp hành các quy định pháp luật an toàn hồ đập chứa bùn thải và bãi thải, trong quá trình hoạt động đã đầu tư các hạng mục công trình bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các sự cố ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống nhân dân trong vùng. Phần lớn các đơn vị đã thành lập bộ phận an toàn và định kỳ kiện toàn bộ máy nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với sự cố hồ thải quặng đuôi; có bố bố trí nhân lực trực 24/24 tại khu vực hồ, đập; có cắm các biển cảnh báo các khu vực nguy hiểm; bố trí vật tư, trang thiết bị cơ bản phục vụ ứng phó thiên tai, sự cố; thiết bị, hạng mục công trình được bảo trì theo quy định.
Tuy nhiên, qua quản lý, theo dõi cho thấy hoạt động quản lý vận hành hồ thải quặng đuôi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, cụ thể: Do chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế hồ, đập chứa quặng đuôi nên hầu hết hồ, đập hiện tại được thiết kế, xây dựng vận dụng các quy định đối với hồ, đập chứa nước. Mặt khác, nhiều đập chắn đều được xây dựng bằng đất, sau thời gian dài vận hành, dưới tác động của nhiều yếu tố thời tiết, địa hình, áp lực của đuôi thải chứa nước trong phạm vi lòng hồ đập, hồ thải tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn.
Trong khi đó, việc quan trắc được thực hiện theo định kỳ, việc đánh giá sự an toàn của hồ đập chứa quặng đuôi thải phụ thuộc rất nhiều vào năng lực chuyên môn, vào sự sát sao, cẩn thận của cán bộ phụ trách. Mặt khác, việc lập, phê duyệt và thực hiện Phương án bảo vệ đập, hồ chứa, Phương án ứng phó thiên tai, Kế hoạch ứng sự cố khẩn cấp hồ thải quặng đuôi chưa được nhiều đơn vị quan tâm nghiêm túc triển khai thực hiện.
Công tác đảm bảo an toàn trọng vận hành hồ, đập chứa quặng đuôi được các địa phương đặc biệt chú trọng triển khai.
Thực tế cho thấy, quá trình vận hành hồ, đập chứa quặng đuôi gây ra nhiều sự cố về an toàn và môi trường (mặc dù đều được xây dựng theo đúng thiết kế được phê duyệt ban đầu). Khi xảy ra sự cố thì doanh nghiệp, cơ quan quản lý đều bị động, không rõ trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan nào và không có phương án chủ động ứng phó sự cố kịp thời.
Để tăng cường năng lực về bảo vệ môi trường nói chung và công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hồ chứa quặng đuôi nói riêng, ngày 30/11/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 41/2020/TT-BCT quy định về quản lý vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2021.
Thông tư 41 có một số quy định: "Các chủ sở hữu phải định kỳ báo cáo và lưu trữ thông tin, dữ liệu hồ chứa. Các báo cáo phải được gửi về Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trước ngày 31/01 và 31/7 hàng năm dưới dạng file điện tử. Sở Công Thương có trách nhiệm tổng hợp tình hình quản lý các hồ chứa quặng đuôi trên địa bàn quản lý, gửi báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 31/3 hàng năm. Chủ sở hữu phải thực hiện các quy định tại Thông tư này chậm nhất trước ngày 31 tháng 12 năm 2021. Thông tư đồng thời yêu cầu “Chủ sở hữu (Hồ thải) phải nhận diện, dự báo, đánh giá các rủi ro và từ đó chuẩn bị các phương án ứng phó khi sự cố xảy ra theo các kịch bản khác nhau.
Để đáp ứng công tác bảo vệ môi trường các hồ chứa quặng đuôi, các chuyên gia cho rằng cần đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế hồ thải. Theo đó, tùy tính chất nên xem xét bố trí xây dựng, lắp đặt các trạm quan trắc trong quá trình vận xây dựng để theo dõi; giám sát chất lượng thi công xây dựng công trình theo thiết kế đã phê duyệt; bố trí các thiết bị theo dõi, đo đạc, kiểm soát chất lượng công tác xây dựng, kiểm soát hoạt động dịch chuyển và biến dạng lún đập thải, độ lỗ rỗng thân đập.
Bố trí các công trình thu nước, xả lũ và thoát nước không để nước tràn qua đỉnh đập, đảm bảo an toàn cho công trình, hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nước xả lũ cần được thu gom và xử lý đảm bảo yêu cầu môi trường trước khi sử dụng tuần hoàn hoặc xả thải vào nguồn nước khu vực. Dung tích đủ chứa chất thải, giữ nước trong cả các trận lũ bất thường.
So với các hoạt động công nghiệp khác, khai thác và chế biến khoáng sản tạo ra khối lượng lớn các chất thải rắn, đôi khi gần bằng lượng đất đá đào được, do đó chiếm dụng nhiều diện tích đất đai để chứa các loại chất thải này. Vì vậy, để bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn sự cố môi trường trong xử lý chất thải, các địa phương cần nghiên cứu đến giải pháp tái sử dụng chất thải mỏ, như tái sử dụng nước thải; tái sử dụng chất thải rắn.
Cụ thể, nước thải đã qua xử lý được tái sử dụng vào các dây chuyền sản xuất. Nguồn nước tái sử dụng sau khi xử lý phục vụ chủ yếu cho công tác sàng tuyển, phun sương dập bụi, vệ sinh thiết bị. Đối với nước thải sản xuất nhà máy tuyển: Theo quy trình công nghệ, nước thải từ quá trình tuyển quặng được đưa vào các bể cô đặc. Tại đây, cùng với chất trợ lắng, nước được lắng trong, phần chủ yếu được bơm tuần hoàn trở lại cho quá trình sản xuất, cơ bản không xả thải ra ngoài môi trường.
Với giải pháp tái sử dụng chất thải rắn: Đất bóc, đất đá thải sẽ được sử dụng để cải tạo phục hồi môi trường. Riêng với quặng đuôi, có nhiều giải pháp tách nước khỏi quặng đuôi như để bốc hơi, để lắng trong rồi tái sử dụng hoặc để tràn tự nhiên, có thể bơm hút hoặc tháo nước chảy tự nhiên qua tháp thu nước trong... cần thu hồi tối đa lượng nước thải từ hồ thải quặng đuôi để tái sử dụng và hạn chế lượng nước thấm xuống đất.
Lê Mai
Bình luận