Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ ba, 12/11/2024 06:11
TMO - Với việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho hai sản phẩm “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” (tỉnh Gia Lai) đã góp phần gia tăng giá trị của các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương, từ đó hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, Gia Lai là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn thứ hai của cả nước, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 845.000ha, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.
Với Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, Gia Lai sẽ dành khoảng 120.000ha để thực hiện Đề án này với khát vọng xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất rau quả lớn của cả nước. Để từng bước triển khai Đề án, tỉnh Gia Lai đã từng bước hoàn thiện hồ sơ công nhận các sản phẩm địa phương. Mới đây nhất, hai sản phẩm “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” (tỉnh Gia Lai) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ.
Đây là sự kiện quan trọng nhằm từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm đặc thù của địa phương; góp phần thực hiện chính sách của nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Được biết huyện Kbang có gần 2.824 ha cây mắc ca và là địa phương có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh Gia Lai.
Trong đó có khoảng 258,6 ha mắc ca đã cho thu hoạch, sản lượng ước tính được gần 500 tấn hạt/năm. Giá tiêu thụ hạt tươi khoảng 80 nghìn đồng/kg; giá hạt mắc ca sau khi chế biến dao động từ 220 nghìn-260 nghìn đồng/kg; thu nhập từ cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê (khoảng 124 cây/ha) bình quân từ 50-60 triệu đồng/ha. Để đảm bảo phát triển cây mắc ca bền vững, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” sau khi được xác lập quyền sở hữu sẽ góp phần nâng cao uy tín và khả năng tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương và tăng lợi ích kinh tế cho nhà sản xuất, kinh doanh; góp phần quảng bá hình ảnh đặc sản của huyện Kbang.
Hạt mắc ca Kbang Gia Lai được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận giúp gia tăng giá trị nông sản. (Ảnh minh hoạ).
Ngoài ra còn giúp bảo tồn và nâng cao danh tiếng, sức cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần vào việc xây dựng hệ thống sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế. Còn đối với sản phẩm heo Broong, đây được xem là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Đức Cơ.
Năm 2020, huyện đã triển khai Dự án bảo tồn và phát triển giống heo Brong Đức Cơ theo quy trình VietGAP với việc xây dựng 30 mô hình với số lượng gần 500 con tại một số xã trên địa bàn. Đến năm 2022, toàn huyện có khoảng 700 hộ nuôi với quy mô đàn lên khoảng 3.800 con. Giá thịt heo hơi trung bình trong khoảng 100-120 nghìn đồng/kg, đợt cao điểm lên 150 nghìn đồng/kg.
Sản phẩm thịt heo một nắng chế biến từ giống heo Broong đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hai nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai” và “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ góp phần gắn kết hoạt động sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm. Từ đó từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm đặc thù của địa phương cũng như quảng bá danh tiếng của hai sản phẩm này đến với khách hàng gần xa.
Trong Chương trình Phát triển Tài sản Trí tuệ giai đoạn 2021-2030, tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ đăng ký bảo hộ tối thiểu cho 5 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích, 5 kiểu dáng công nghiệp, 500 nhãn hiệu thông thường và 10 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mang tên địa danh của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Tỉnh Gia Lai cũng phấn đấu tối thiểu 60% sản phẩm chủ lực và 80% sản phẩm gắn với Chương trình OCOP tỉnh Gia Lai được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho tối thiểu 10 sáng chế/giải pháp hữu ích, 15 đơn kiểu dáng công nghiệp, 25 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mang địa danh của tỉnh cho các sản phẩm, dịch vụ của địa phương.
Dễ dàng nhận thấy, một số nông sản thế mạnh sau khi được xác lập bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận mang tên địa danh trên sản phẩm đã có ý nghĩa rất lớn, thương hiệu mang tính bền vững cao, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, tạo lòng tin với người tiêu dùng. Qua hoạt động bảo hộ đã phát triển tài sản trí tuệ, kết nối được các hộ nông dân từ sản xuất đơn lẻ thành sản xuất tập trung, góp phần nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Với vai trò là cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ tại địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai luôn chủ động trong công tác tham mưu quản lý và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận nông sản đặc thù của tỉnh; xác định đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị nông sản đặc thù gắn với tên địa danh, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản đặc thù, chủ lực địa phương; đồng thời hạn chế các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, từng bước hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc, ổn định quy hoạch sản xuất nông nghiệp.
Khánh An
Bình luận