Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ ba, 19/09/2023 07:09
TMO - Nguồn cát từ hồ Dầu Tiếng và tỉnh Bến Tre sẽ được bổ sung cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Từ tháng 9 đến tháng 10 sắp tới đây, TP.HCM sẽ làm việc trực tiếp với các địa phương để có sự thống nhất, nối kết trực tiếp giữa các đơn vị thi công với các mỏ cát này.
Theo Bộ Giao thông vận tải, sau hơn một năm triển khai kể từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương, các địa phương đã hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán 20/26 gói thầu và hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và đang triển khai thi công 9/26 gói thầu. Tính đến hết tháng 8/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 458/597 ha (đạt 77%). Tuy nhiên, sau 3 tháng khởi công, việc triển khai thi công tại công trường còn chậm, chủ yếu là xây dựng lán trại, huy động máy móc thiết bị, tập kết vật liệu, đào bóc hữu cơ, thi công đường công vụ.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thành phần, Bộ GTVT đề nghị các địa phương có dự án đi qua khẩn trương xây dựng giải pháp phù hợp về nguồn vật liệu đắp thông thường để đáp ứng yêu cầu thi công các gói thầu đã khởi công từ tháng 6/2023. UBND các tỉnh, thành phố cũng cần chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu thi công triển khai ngay các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng, tổ chức làm việc với các địa phương có mỏ vật liệu xây dựng để thống nhất về vị trí, trữ lượng, triển khai các thủ tục cấp mỏ.
Bộ GTVT đề nghị các địa phương có dự án đi qua khẩn trương xây dựng giải pháp phù hợp về nguồn vật liệu đắp thông thường để đáp ứng yêu cầu thi công các gói thầu đã khởi công từ tháng 6/2023. Ảnh: HT.
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông TP.HCM), ước tính khối lượng vật liệu xây dựng cần thiết phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM bao gồm 4 loại. Trong đó, đất đắp nền cần hơn 1,6 triệu m3; cát đắp nền cần hơn 7,2 triệu m3; cát xây dựng cần gần 1,5 triệu m3; đá xây dựng cần khoảng 4,4 triệu m3. đối với 3 nhóm vật liệu gồm: đất đắp nền, cát xây dựng và đá xây dựng đã có trữ lượng đảm bảo và thậm chí cao hơn nhu cầu.
Riêng với cát đắp nền đường (7,2 triệu m3), hiện đã đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 (đạt khoảng 80,5%) từ 10 mỏ ở các địa phương. Hiện nay, đã bổ sung thêm nguồn cát từ hồ Dầu Tiếng và ở tỉnh Bến Tre. Từ tháng 9 đến tháng 10 sắp tới đây, TP.HCM sẽ làm việc trực tiếp với các địa phương để có sự thống nhất, nối kết trực tiếp giữa các đơn vị thi công với các mỏ này theo cơ chế đặc biệt dành cho dự án Vành đai 3
Đối với 9 gói thầu đã khởi công xây dựng, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM và các tỉnh chỉ đạo các chủ thể liên quan khẩn trương hoàn thành công tác thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng giải pháp về nguồn cung cấp cát đắp nền đường trong giai đoạn chưa hoàn thành thủ tục cấp mỏ cho nhà thầu; huy động tối đa nguồn lực thi công đường công vụ, nền đường cao tốc, các công trình trên các đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng.
Với các phân đoạn/gói thầu đã được cơ quan chuyên môn xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định pháp luật để phê duyệt, sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, khởi công các gói thầu còn lại. Tạo điều kiện cho dự án bứt tốc, các địa phương cũng được đề nghị đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cơ bản hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31/12/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, tập trung ưu tiên đẩy nhanh công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đủ mặt bằng để thi công xây dựng công trình.
Trước đó, Bộ TN&MT cho rằng, trước tình hình nguồn cung cấp vật liệu cát gặp nhiều khó khăn do có nhiều dự án đường cao tốc đang triển khai, chủ đầu tư dự án Vành đai 3 TP.HCM nên tính đến phương án sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng (thuộc 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước) để phục vụ cho dự án. Do đó, UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước quan tâm và sớm có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) tại khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ cho dự án đường Vành đai 3.
TP.HCM cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về các mỏ cát khu vực hồ Dầu Tiếng (giấy phép khai thác, giấy phép thăm dò, trữ lượng quy hoạch, trữ lượng khai thác, thông tin về chủ mỏ cát); phối hợp và hỗ trợ với Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường Vành đai 3 khảo sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn cát khu vực hồ Dầu Tiếng.
Hồ Dầu Tiếng là hồ nước Hồ Dầu Tiếng với diện tích mặt hồ lên đến 270 km2, tổng dung tích là 1,58 tỷ m3 nước. Ngoài điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, nhiệm vụ chính của hồ Dầu Tiếng là tưới trực tiếp cho trên 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, TPHCM và Long An. Hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng có 3 kênh chính là kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng có nhiệm vụ đưa nước về điều phối cho trên 1.550 km các tuyến kênh nhánh tại các địa phương. Ngoài ra, hiện nay lòng hồ Dầu Tiếng còn là nơi được người dân tận dụng để nuôi trồng thủy sản. nhân tạo nằm trên địa bàn 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước thuộc vùng Đông Nam Bộ. Hồ được hình thành do chặn dòng thượng nguồn sông Sài Gòn, là hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35km), các tỉnh Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng. Trong đó, dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng; 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố.
Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm tám làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. Quy mô giai đoạn phân kỳ gồm bốn làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe). Theo kế hoạch, đường Vành đai 3 TPHCM sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đức Lê
Bình luận