Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ tư, 06/09/2023 14:09
TMO - Công tác cấp đất ở, đất sản xuất cho người đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được các địa phương quan tâm và chú trọng thực hiện, qua đó góp phần ổn định đời sống cho người dân khu vực này.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh; đồng thời, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế. Nhưng đây cũng là địa bàn có địa hình tự nhiên phức tạp, độ dốc cao, chia cắt. Vì thế, quỹ đất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu là đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp và đất ở rất hạn chế. Bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng đất là một trong những chính sách phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết, tại 11 huyện miền núi và 4 huyện có xã miền núi trên địa bàn tỉnh đang có trên 20.000 hộ dân thiếu đất sản xuất và đất ở. Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát các hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ dân tộc Kinh sinh sống ở các xã đặc biệt khó khăn để có cơ sở triển khai cấp đất theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa tiến hành rà soát, bố trí đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh minh họa).
Qua rà soát 15 huyện cho thấy, có 14.503 hộ dân chưa có đất sản xuất hoặc có đất sản xuất nhưng diện tích dưới 50% theo định mức. Các hộ gia đình thiếu đất sản xuất chủ yếu ở các huyện miền núi như: Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Mường Lát… Ngoài ra, có tới 8 huyện (gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Triệu Sơn và Hà Trung) không còn đất sản xuất nông nghiệp để bố trí, cấp đất cho người dân. Đối với địa phương còn đất sản xuất, chính quyền thực hiện giao đất cho người dân nếu có nhu cầu; trường hợp địa phương không còn đất sản xuất để giao cho người dân, hoặc hộ dân thiếu đất sản xuất thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Về đất ở, hiện có 5.970 hộ dân thiếu đất thuộc trường hợp được hỗ trợ cấp đất ở theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ. Các gia đình thiếu đất ở chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như: Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Mường Lát… sẽ được Sở TN&MT và các địa phương tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách để xem xét quyết định giao đất làm nhà ở cho các đối tượng phù hợp với điều kiện, tập quán địa phương và Luật Đất đai. Đối với nơi có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương sử dụng tiền ngân sách để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho người dân. Đối với nơi không còn quỹ đất để bố trí, địa phương có kinh phí hỗ trợ để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép.
Thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), đến nay, tỉnh Gia Lai đã xây được 89 ngôi nhà và hỗ trợ đất sản xuất 6 hộ đồng bào DTTS với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh còn 38.550 hộ nghèo, trong đó có 34.387 hộ nghèo người DTTS; nhiều hộ còn khó khăn về nhà ở. Thời gian qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo. Ngoài các quy định của Trung ương, tỉnh còn triển khai thực hiện một số chính sách phù hợp với đặc thù địa phương như: Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh xã hội hóa trong giúp đỡ hộ nghèo; vận động các cá nhân, trong đó có hoạt động xây dựng nhà ở cho hộ nghèo... Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu năm 2023 sẽ giải quyết khoảng 50% số hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, các địa phương đang gặp một số khó khăn như nhiều hộ thuộc diện thụ hưởng có đất ở nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó phân bổ nguồn vốn thực hiện. Đối với việc hỗ trợ đất sản xuất, nhiều địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho hộ nghèo nên không thực hiện giải ngân được vốn đã giao. Vì vậy, các địa phương kiến nghị các cấp, ngành có cơ chế linh hoạt, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của bà con ở từng vùng miền.
Các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 3.958 hộ còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Trong đó, có 1.760 hộ thiếu đất ở và 2.198 hộ thiếu đất sản xuất. Trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp một số khó khăn vướng mắc như: qũy đất thực hiện hỗ trợ của các địa phương ngày càng hạn chế; định mức kinh phí hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn thấp; tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn tỉnh còn nhiều
Để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quỵ hoạch bố trí dân cư, quy hoạch nông thôn mới... Các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng tốt đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Qua đó, giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho người dân; gắn với việc giao khoán, quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo điều kiện cho người dân có công ăn việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Quy định về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số là 1 trong nội dung trọng tâm trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Ban soạn thảo đã chỉnh sửa quy định tại Điều 17 theo hướng toàn diện hơn thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Đối với chính sách giao đất ở, đất sản xuất, dự thảo Luật quy định rõ giao đất, cho thuê đất lần đầu và tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho đồng bào DTTS không còn đất hoặc thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức sau khi đã được giao đất, cho thuê đất lần đầu.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng chỉnh sửa quy định tại Điều 49 về trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện. Theo đó, đồng bào DTTS được giao đất, cho thuê đất lần 2 được tặng cho người thuộc hàng thừa kế và để thừa kế; trường hợp chuyển khỏi địa bàn đang sinh sống thì được thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất. Diện tích đất đã thu hồi được dùng để tiếp tục giao đất cho cá nhân khác là đồng bào DTTS.
Để đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào DTTS, Dự thảo cũng bổ sung quy định về thu hồi đất để thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Theo đó, đất để thực hiện chính sách theo quy định tại Điều 17 được bố trí từ quỹ đất do Nhà nước quản lý mà chưa sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 112 mới (trong đó đã bao gồm cả đất do sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường) và đất thu hồi từ dự án quy định tại điểm m khoản 3 Điều 79...
Trần Kiên
Bình luận