Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Chủ nhật, 28/07/2024 12:07
TMO - Sau 6 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Bắc Ninh đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm.
Được triển khai từ năm 2018, đến nay, các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Bắc Ninh đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ các cấp, ngành, các chủ thể và người tiêu dùng. Tỉnh đang tích cực phát huy giá trị của các sản phẩm OCOP nhằm gia tăng giá trị sản phẩm địa phương và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh đã từng bước góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể tham gia, tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, được thị trường đón nhận. Đặc biệt, việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở Bắc Ninh được thực hiện hiệu quả, nhất là khâu bán hàng.
Hầu hết các chủ thể rất năng động, tham gia nhiều kênh tiêu thụ khác nhau từ hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của tỉnh cũng như qua sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội.Thông qua chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Ninh đã có mặt ở các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 870/QĐ-UBND phê duyệt danh mục sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2024. Theo đó, tỉnh phê duyệt 98 sản phẩm của 49 chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm 2024, thuộc các lĩnh vực: lương thực, thực phẩm, dược liệu, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng…
Trong số đó, thị xã Quế Võ được phê duyệt nhiều nhất với 28 sản phẩm của 8 chủ thể; tiếp đến là thị xã Thuận Thành với 24 sản phẩm của 12 chủ thể. Huyện Gia Bình có 12 sản phẩm của 6 chủ thể; huyện Lương Tài 12 sản phẩm của 4 chủ thể; huyện Yên Phong 7 sản phẩm của 5 chủ thể; thành phố Bắc Ninh 7 sản phẩm của 4 chủ thể; thành phố Từ Sơn 5 sản phẩm của 4 chủ thể; huyện Tiên Du 3 sản phẩm của 2 chủ thể.
Toàn tỉnh hiện có 174 sản phẩm OCOP thuộc các lĩnh vực: lương thực, thực phẩm, dược liệu, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng…
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng phê duyệt nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao đối với 3 sản phẩm (miếng rửa bát; bông tắm xơ mướp; lót giày xơ mướp) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ánh Dương Kinh Bắc - Kim Tháp, xã Nguyệt Đức, thị xã Thuận Thành. Đồng thời, đổi tên 2 sản phẩm: nhang Ngải cứu và nhang bồ kết Cát Lát của Hợp tác xã Thảo Dược Cát Cát, xã Trung Chính, huyện Lương Tài.
Chương trình OCOP tại Bắc Ninh được triển khai từ năm 2018. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 174 sản phẩm OCOP; trong đó có 108 sản phẩm đạt 3 sao, 66 sản phẩm đạt 4 sao. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Tỉnh Bắc Ninh đang tích cực phát huy giá trị của các sản phẩm OCOP nhằm gia tăng giá trị sản phẩm địa phương và góp phần gìn giữ những nghề truyền thống.
Để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở bám sát các chương trình, kế hoạch của Chính phủ về xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP quốc gia, để xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Đáng chú ý, mô hình hội chợ quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được người tiêu dùng, nhà sản xuất đón nhận. Chợ phiên nông sản an toàn, bán các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm OCOP, mỗi năm hai lần được tổ chức vào tháng 4 và tháng 10, tiến tới tổ chức mỗi quý một phiên, đã là điểm hẹn quen thuộc để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kết nối tiêu thụ nông sản và liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh cùng với các đơn vị, địa phương, các chủ thể OCOP ở Bắc Ninh đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng phần mềm quản lý thực hiện chương trình có các tính năng về quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, quy trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các sàn thương mại điện tử, tiếp nhận phản hồi sản phẩm từ khách hàng tới chủ thể và cơ quan quản lý Chương trình OCOP cấp tỉnh.
Giai đoạn 2022-2025, Bắc Ninh đặt mục tiêu có ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên được công nhận, ít nhất có hai sản phẩm OCOP đạt 5 sao; ít nhất 30% làng nghề có sản phẩm OCOP; 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại… Tỉnh cũng chú trọng xây dựng 3 mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh: Để tạo sức lan tỏa của Chương trình OCOP, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân hiểu về lợi ích của việc tham gia Chương trình OCOP, nhất là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh đối với các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, ngành sẽ tích cực tham mưu tỉnh có những chính sách đặc thù đối với các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của từng địa phương, để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ để sản xuất bền vững.
Hồng Ngát
Bình luận